Kết quả điều tra quốc gia về 10 bệnh rối loạn tâm thần (RLTT) thường gặp được Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương 1 công bố ngày 18-12 cho thấy trong cuộc sống hiện đại, nam giới dễ mắc các RLTT do nghiện chất (gây nghiện); nữ giới dễ bị trầm cảm, lo âu, còn trẻ em dễ bị rối loạn hành vi, chậm phát triển trí tuệ.
Hậu quả của uống rượu hằng ngày
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần trung ương 1, cho biết qua điều tra tại 8 xã, đại diện cho 8 vùng sinh thái trên cả nước với hơn 76.000 người được điều tra, tỉ lệ RLTT chung của 10 bệnh thường gặp là 14,22%. Cao nhất là do lạm dụng rượu và nghiện rượu 4,07%, tiếp đến là lo âu 2,94%, trầm cảm 2,45%, sa trút trí tuệ 1,52%, nghiện ma túy 0,42%... “Kết quả nghiên cứu này tương đối chính xác vì đối tượng tham gia ở tất cả các vùng miền với sự tham gia điều tra của các bác sĩ tâm thần tại địa phương và sau đó được các chuyên gia Trường ĐH Melbourne (Úc) phân tích” - ông Cương nói.
Theo bác sĩ Cương, các RLTT liên quan đến sử dụng rượu thường gặp là loạn thần, rối loạn nhân cách... Ở nước ta, trong những năm gần đây, loạn thần do rượu chiếm tỉ lệ đáng kể và có xu hướng tăng. Các biểu hiện của RLTT do rượu thường gặp trong nghiên cứu của BV là run tay, khó ngủ, thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt, bồn chồn, toát mồ hôi. 95% người bị RLTT do nghiện rượu, lạm dụng rượu là nam giới, độ tuổi trung bình là hơn 49; 67% người bị RLTT do uống rượu hằng ngày, 97% trong số họ bị ảnh hưởng đến học tập và công việc, 73% gặp rắc rối trong quan hệ với những người xung quanh. Đáng lo ngại là tỉ lệ không nhỏ trong số này gặp các triệu chứng loạn thần như: ảo giác, hoang tưởng.... Đây là những người có nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần, gây ra các vụ thảm sát hoặc tự tử do hoang tưởng, ảo giác” - bác sĩ Cương lo ngại.
Áp lực khiến trẻ dễ rối loạn tâm thần
Cũng theo điều tra trên, trung bình 0,21% thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi, trong đó cao nhất là thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (0,35%). Bác sĩ Cương nhận định Diên Khánh là thị trấn vừa phát triển, chịu nhiều tác động của kinh tế đô thị, giới trẻ chưa kịp thích ứng nên gặp các RLTT. Trong khi đó, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương thuần nông, cuộc sống bình yên nên không có thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi. Đa số trẻ bị rối loạn hành vi do có kết quả học tập trung bình và kém, chơi với bạn xấu. 100% trẻ bị rối loạn hành vi thường xuyên bỏ nhà sống qua đêm nơi khác, trộm cắp, nói dối hoặc gây cháy, đập phá đồ đạc… “Điều này cho thấy các tác động xã hội ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thanh thiếu niên. Vì vậy, các kế hoạch phát triển kinh tế cần kèm theo những can thiệp nhằm giảm tải tác động xấu đến đời sống và tâm lý của người dân” - bác sĩ Cương khuyến nghị.
Còn theo khảo sát rối loạn tăng động giảm chú ý với hơn 6.300 trẻ tại các trường tiểu học và THCS Hà Nội do Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thực hiện, đến 6,37% (tương đương hơn 400 trẻ) bị rối loại này, trong đó nam chiếm gần 63%. Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết các em tăng động thường có biểu hiện như chân tay vặn vẹo không yên, hay đánh nhau với bạn, nói quá nhiều… Trẻ giảm chú ý thì khó tập trung, dễ sao nhãng, nói trước quên sau. Nếu các vấn đề tâm lý này không được sớm nhận biết và can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa thì trẻ sẽ học hành chểnh mảng, có xu hướng bạo lực và dễ vướng vào các tệ nạn xã hội. Còn trẻ trầm cảm, căng thẳng kéo dài dễ bị suy sụp tinh thần đến mức chán ghét bản thân, thích làm mình đau hoặc tự sát.
16% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát
Theo nghiên cứu của BV Tâm thần trung ương 1, tỉ lệ nữ giới bị trầm cảm và lo âu chiếm 86% và 89%. Bệnh nhân trầm cảm thường mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, mất thú vui, hoảng sợ và xuất hiện nhiều tình trạng đỏ mặt, đái rát, đau dạ dày. Đặc biệt, gần 30% bệnh nhân trầm cảm nghĩ đến chết chóc, 16% có hành vi tự sát.
Bình luận (0)