Hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ nhập viện… là một trong những nội dung trong chỉ thị mà bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hồi tháng 4-2016 sau khi thực hiện điều chỉnh viện phí. Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nằm hành lang vẫn còn diễn ra ở nhiều bệnh viện (BV).
Tái diễn nằm ghép
Khảo sát tại một số BV lớn ở Hà Nội như Phụ sản Trung ương, K, Bạch Mai… những ngày gần đây, hình ảnh bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người trên một giường là khá phổ biến. Tại Khoa Đẻ BV Phụ sản Trung ương, hầu như ở giường bệnh nào cũng phải “chứa” 2 “bà bầu”. Bà Phan Thị Xuân, mẹ một thai phụ quê Ninh Bình, than thở: “Con dâu tôi thai được 32 tuần nhưng đã có dấu hiệu cạn ối, nhập viện được gần 2 ngày và phải ghép chung giường với một thai phụ khác”.
Khoa Xạ trị 2 thuộc cơ sở 1 của BV K lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân Trần Thị T. (62 tuổi, ở Phú Thọ) cho biết hơn 1 tháng điều trị tại đây, ngoài ngày cuối tuần, lúc nào bà cũng phải nằm ghép 2-3 người/giường. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong phòng bệnh, trên ghế đá và dọc các hành lang ở khoa này, cảnh bệnh nhân và người nhà chen chúc nhau nằm nghỉ, dưỡng bệnh diễn ra từ ngày đến đêm.
Từ nhiều năm nay, tình cảnh bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người, thậm chí 4 người trên một giường, tái diễn tại hầu hết các BV lớn ở TP Hà Nội, như Viện Tim mạch quốc gia, Bạch Mai... Tại Viện Tim mạch quốc gia, số bệnh nhân điều trị nội trú gấp đôi số giường thực kê. Cụ thể, viện có 278 giường nhưng tới 525 bệnh nhân.
Ở TP HCM, tình trạng quá tải bệnh nhân cũng là căn bệnh trầm kha khó giải quyết. Điển hình nhất là BV Ung Bướu TP. Ngay từ cổng vào đến các phòng khám, phòng lưu bệnh đều quá tải bệnh nhân. Những ngõ ngách hành lang, cầu thang dẫn đến các khoa luôn có đông bệnh nhân và người nhà. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TP, BV thực kê 600 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nằm viện từ 1.500 đến 1.700 người. Chỉ riêng Khoa Ung bướu Nhi, dù số trẻ ung thư được “chia lửa” sang bớt cho BV Nhi Đồng 2 nhưng vẫn xảy ra cảnh nằm ghép.
Tại nhiều BV khác như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1…, tình trạng bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, nằm ghép vẫn xảy ra. Ở Khoa Hô hấp của BV Nhi đồng 1, có giường phải gánh tới 3-4 bé.
Bất lực
Thời gian qua, các BV rất chú trọng thực hiện chỉ đạo giảm quá tải của Bộ Y tế. Ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết lãnh đạo BV quán triệt các khoa - phòng nếu quá tải từ hơn 10% thì không chấp nhận giường dịch vụ để ưu tiên cho bệnh nhân khám thường và BHYT.
Tại BV Chợ Rẫy, nơi mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị cho 10.000 người bệnh, gần đây cũng đã thực hiện đồng bộ đề án giảm tải. PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, đưa ra quyết tâm đến cuối năm nay, BV không còn tình trạng nằm ghép sau 48 giờ tại các khoa. Còn các giải pháp giảm tải được BV Ung Bướu thực hiện, như mở khoa vệ tinh với quy mô 150 giường đặt tại Bệnh viện quận 2 từ năm 2014; tăng điều trị ngoại trú nhằm giảm số nội trú; khám thông tầm từ 5 giờ sáng…
Trước đó, năm 2015, hơn 10 BV đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Còn đến thời điểm này, cả nước có gần 40 BV tuyến trên cam kết không để bệnh nhân nằm ghép sau 24-48 giờ.
Dù vậy, theo đánh giá chung, việc chống quá tải của các BV tuyến trên khó có kết quả như mong đợi. Trong khi đó, công suất sử dụng giường bệnh ít cải thiện mà có xu hướng ngày càng tăng. Chẳng hạn, công suất sử dụng giường bệnh tại BV Ung Bướu TP HCM trên 249%, BV Chợ Rẫy 154%… Đáng chú ý là trước áp lực quá tải, một số BV cũng chỉ dám ký cam kết không nằm ghép ở một số khoa, phòng hoặc các cơ sở mới xây. Thậm chí, có BV như Nhi Trung ương, sau khi ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, không ít người bệnh được “gợi ý” sang nằm giường dịch vụ nếu không phải chuyển về tuyến dưới trong khi chưa hết đợt điều trị.
Việc các BV ký cam kết không nằm ghép quá 48 giờ, tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm qua khiến người bệnh thực sự vui mừng nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy. Các BV vẫn cứ loay hoay với chống quá tải.
Theo các BV, để giải quyết quá tải, không thể chỉ có một lời cam kết mà Bộ Y tế cần đưa ra những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn, trong đó quan trọng nhất là phát triển chất lượng BV tuyến dưới. Một khi đau chân trái nhưng cắt chân phải, đau bao tử mà chẩn đoán thành ruột thừa… cứ xảy ra ở tuyến dưới thì không thể ngăn người dân kéo nhau lên tuyến trên.
Chưa dám ký cam kết
Sau một số lần thị sát tại các BV tuyến trung ương như K, Phụ sản Trung ương…, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận những chuyển biến về giảm tải tại một số BV lớn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, việc không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ khó áp dụng với những BV tuyến cuối và đầu ngành ung bướu, sản khoa… Trước áp lực quá tải, đến nay, một số BV lớn như Bạch Mai, K và Phụ sản Trung ương… chưa dám ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
Bình luận (0)