Trong khi ngành y tế khẳng định vẫn kiểm soát được dịch thì mỗi tuần vẫn có thêm hàng ngàn trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Hải Phương
Dịch sẽ còn diễn biến phức tạp
Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dịch TCM bắt đầu tăng từ tuần thứ 20 với 850 ca mắc/tuần; đến tuần thứ 39, số ca mắc bệnh vẫn duy trì ở mức cao với hơn 2.000 ca trường hợp/tuần. “Dịch sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới. Vì đối tượng mắc bệnh phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên con số tử vong cũng chưa thể ngừng lại”- ông Dương dự báo.
Trả lời câu hỏi “tại sao các địa phương chưa công bố dịch?”, một chuyên gia dịch tễ cho rằng khi dịch đã lưu hành, xảy ra thường xuyên không nhất thiết phải công bố dịch mà cần tập trung khống chế dịch. Đặc biệt với những dịch bệnh hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu thì càng không được lơ là trong việc dập dịch. Chuyên gia này cho biết công bố dịch chỉ là vấn đề hình thức. Để ngăn chặn dịch TCM, hôm 18-8, Thủ tướng đã có công điện phân công trách nhiệm các bộ, ngành, chủ tịch UBND các địa phương chủ động khống chế và ngăn chặn dịch bệnh. Nếu thực hiện đúng và nghiêm túc công điện của Thủ tướng, chắc chắn dịch sẽ được khống chế chứ không có chuyện sau 45 ngày cả nước có thêm gần 30.000 ca mắc mới và 33 người tử vong do TCM. “Điều này chứng tỏ các địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ phòng chống dịch, các biện pháp tuyên truyền vận động thực hiện vệ sinh phòng bệnh chưa hiệu quả”- chuyên gia này nhận định.
Nhiều địa phương lẽ ra phải công bố dịch!
Những năm trước, trung bình cả nước có khoảng hơn 10.000 ca mắc/năm, trong khi đó 9 tháng đầu năm 2011, số ca mắc bệnh TCM đã tăng hơn 6 lần. Với hàng ngàn ca mắc bệnh TCM mỗi tuần, khiến nhiều người lo lắng khi các địa phương vẫn cho rằng chưa đủ cơ sở để công bố dịch. Còn lý do chính để Bộ Y tế không công bố dịch vì đây là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh. Khi có đủ 2 địa phương công bố dịch, Bộ Y tế mới công bố dịch trên toàn quốc.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền nhiễm của Việt Nam, GS Phạm Song, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cảnh báo: “TCM là bệnh xuất hiện quanh năm nhưng trước đây, số ca mắc rải rác nên mọi người ít để ý. Năm nay, dịch bùng phát mạnh, tấn công không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn. Có những trường hợp biến chứng viêm não, tử vong do mắc bệnh ở thể tối cấp, điều đó chứng tỏ độc lực của virus EV 71 gây bệnh TCM rất mạnh hoặc đã thay đổi”. GS Phạm Song cho biết thêm: “Qua theo dõi tình hình dịch, tôi thấy nhiều địa phương ở phía Nam như TPHCM, Đồng Nai... lẽ ra phải công bố dịch từ rất lâu rồi. Tôi không cho rằng các địa phương mắc bệnh thành tích nhưng có thể họ không thích “mang tiếng” là có dịch. Chuyện này có vẻ giống với việc phát hiện bệnh nhân mắc tả nhưng cứ nói tránh là “tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả”.
Theo GS Phạm Song, việc địa phương lừng khừng không công bố dịch sẽ khiến người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh. Cứ đà này khó mà khống chế được dịch. “Nếu ở cương vị bộ trưởng Bộ Y tế, tôi sẽ khuyến cáo địa phương công bố dịch hoặc thuyết phục Thủ tướng yêu cầu địa phương phải công bố dịch”- ông nói.
Theo giới chuyên môn, thời điểm này, dịch đã lan rộng ra cộng đồng, đặc biệt tỉ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó khăn hơn khi khống chế dịch.
Số ca tử vong nhích dần từng ngày Số mắc bệnh và tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh TCM. Thế nhưng kết quả kiểm tra, giám sát từ các đoàn công tác của Bộ Y tế trong tháng 8 và 9-2011 cho thấy ngay tại những “điểm nóng” của dịch, người dân vẫn hiểu lờ mờ về bệnh TCM. Hơn một tháng trước, tại buổi họp trực tuyến về công tác phòng dịch TCM, lãnh đạo nhiều địa phương khăng khăng rằng chưa công bố dịch TCM vì dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng nhiều tuần trôi qua, số mắc bệnh vẫn không giảm, còn số ca tử vong vẫn nhích dần theo từng ngày. |
Bình luận (0)