Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng số người đến tiêm ngừa phòng bệnh dại là 4.297 trường hợp, trong đó có 142 trường hợp phải sử dụng huyết thanh kháng dại.
Người dân đến tiêm ngừa bệnh dại tại Trung tâm Safpo Cà Mau
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều trường hợp tử vong thương tâm do không tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn gây thương tích. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh đã ghi nhận 12 ổ dịch nghi dại trên chó tại 4 huyện và TP Cà Mau. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong do nhiễm bệnh dại.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, vắc-xin phòng ngừa bệnh dại được chia làm 5 liệu trình, mỗi liệu trình có chi phí khoảng 220.000 đồng. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có vết thương nặng ở vùng đầu, mặt, cổ… thì ngoài tiêm vắc-xin còn phải tiêm thêm huyết thanh với giá 460.000 đồng/lọ. Theo đó, người lớn cần tiêm trung bình khoảng 2 lọ huyết thanh kháng dại (tùy vào trọng lượng cơ thể).
Như vậy, người dân sẽ tốn hơn 1 triệu đồng tiêm vắc-xin để phòng bệnh dại đối với trường hợp vết thương nhẹ và khoảng 2 triệu đồng khi vết thương nặng.
Theo lời nhiều người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, thì ngoài nguyên nhân chủ quan dẫn đến không tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn thì họ còn ngại chi phí.
Anh N.H. (27 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho hay cách đây khoảng 6 tháng, anh bị chó cắn ở chân nhưng không đi tiêm ngừa, dù biết nguy hiểm. "Thừa biết không tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại khi bị chó cắn thì nguy cơ nhiễm bệnh dại rất cao, tuy nhiên, do chi phí tiêm ngừa hơi cao khiến tôi bỏ qua", anh H. tâm sự.
Bác sĩ Lê Ngọc Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, cho biết người mắc bệnh dại thì nguy cơ tử vong rất cao, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc- xin phòng ngừa.
"Người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch và sử dụng xà phòng rửa vết thương liên tục khoảng 15 phút rồi dùng cồn 70% sát khuẩn. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa bệnh dai. Tuyệt đối, không tự chữa hoặc điều trị bằng thuốc Nam để đảm bảo an toàn", ông Định nói.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh dại trên chó, mèo của hộ gia đình. Nuôi chó phải xích lại, khi cho chúng ra đường phải mang rọ mõm…
Bình luận (0)