xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mịt mù chất lượng xét nghiệm

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Chất lượng xét nghiệm không ổn định và chưa có chuẩn chung, dẫn đến tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả của nhau khiến bệnh nhân tốn không ít thời gian, tiền bạc khi chuyển tuyến điều trị

Bộ Y tế đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng những thông tin dồn dập gần đây về tình trạng máy xét nghiệm “dỏm” lại khiến người dân cảm thấy bất an.

“Phù phép” thiết bị y tế

Chỉ sau ít ngày Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra vụ thiết bị y tế kém chất lượng thuộc gói thầu số 4 đầu tư cho cơ sở y tế tuyến huyện ở TP liên quan đến máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240, cuối tuần qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an lại khởi tố, bắt tạm giam “trùm” buôn bán thiết bị y tế quá đát. Đối tượng là Phạm Hồng Anh (SN 1973, ở Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A.

Bệnh nhân chờ làm thủ tục xét nghiệm tại một bệnh viện ở Hà Nội
Bệnh nhân chờ làm thủ tục xét nghiệm tại một bệnh viện ở Hà Nội

Theo quy định, thiết bị y tế nhập về phải mới 100% nhưng Phạm Hồng Anh lại nhập toàn thiết bị quá đát để tuồn vào các bệnh viện (BV). Chẳng hạn, khi khai báo là máy sinh hóa nhãn hiệu Hitachi 917 mới 100%, xuất xứ Nhật Bản song qua giám định, cơ quan chức năng phát hiện máy mà Công ty A.N.N.A nhập về đã qua sử dụng, Nhật Bản đã ngừng sản xuất từ năm 2005-2006.

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2007 đến tháng 12-2013, Công ty A.N.N.A đã nhập khẩu 53 máy phân tích sinh hóa đã qua sử dụng. Sau đó, công ty này cho các cơ sở khám chữa bệnh mượn dài hạn. Đổi lại, các cơ sở y tế này sẽ phải mua hóa chất do công ty cung cấp.

Bên cạnh quy định thiết bị y tế khi nhập phải bảo đảm mới 100%, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đúng các quy định về nhập thiết bị y tế, chịu trách nhiệm về số lượng, trị giá và chất lượng các mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp. Trong khi đó, việc phát hiện thiết bị y tế quá đát, không rõ nguồn gốc tại một số BV thời gian qua đang dấy lên sự lo ngại về chất lượng xét nghiệm, điều trị.

Ông Hà Đắc Biên, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam, cho rằng hiện thiết bị y tế có trên 80% phải nhập, trong khi điều kiện được phép kinh doanh mặt hàng này lại rất lỏng lẻo. Chỉ cần vốn pháp định 200 triệu đồng là có thể thành lập công ty buôn bán thiết bị y tế với đủ chủng loại.

“Chê” xét nghiệm của nhau

Sử dụng thiết bị y tế kém chất lượng, kết quả xét nghiệm chưa đạt yêu cầu, thiếu quy chuẩn trong xét nghiệm… Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cùng một thử nghiệm nhưng nhiều phòng xét nghiệm cho ra kết quả khác nhau, dẫn đến các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả lẫn nhau. Vì vậy, hiện nay, hầu hết người bệnh đến BV nào cũng phải làm lại xét nghiệm từ đầu, vừa tốn kém vừa phiền toái, mất thời gian.

Lý giải thực trạng này, PGS-TS Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam, nhận định là do xét nghiệm chưa được chuẩn hóa, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế không đồng đều khiến các BV không tin tưởng kết quả của nhau.

GS-TS Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Trường ĐH Y Hà Nội), cho biết theo quy định, phòng xét nghiệm tại các BV phải thực hiện công tác nội kiểm hằng ngày (tự kiểm tra tại cơ sở của mình) và công tác ngoại kiểm định kỳ, thường xuyên (kiểm tra thông qua các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm hoặc các đơn vị kiểm định độc lập). Các quy định cần chặt chẽ như vậy vì xét nghiệm nếu không chính xác sẽ rất nguy hiểm, có thể khiến một người bình thường trở thành người bệnh và ngược lại, biến một người từ có bệnh trở thành bình thường...

Thế nhưng trên thực tế, chất lượng trang thiết bị, máy móc xét nghiệm chưa được kiểm tra thường xuyên. Người phụ trách phòng xét nghiệm ở tuyến tỉnh trở xuống cũng như cơ sở y tế tư nhân còn yếu về năng lực và trình độ chuyên môn...

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng để các BV có thể công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phòng xét nghiệm phải đạt chuẩn quốc tế ISO 15189. Hiện cả nước mới có khoảng 30 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này nhưng đều tập trung ở các BV tuyến trung ương và một vài BV tuyến tỉnh, còn tuyến huyện và các phòng tư nhân chưa có.

“Do những hạn chế này nên chất lượng xét nghiệm ở tuyến huyện chỉ mang tính tương đối, đòi hỏi người thầy thuốc lâm sàng và xét nghiệm phải phối hợp chặt chẽ để điều trị cho bệnh nhân” - ông Kính nhìn nhận.

Bất cập việc cấp phép nhập khẩu

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) - cơ quan cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế, cho biết khi hồ sơ DN nộp lên, bộ sẽ đối chiếu theo quy định, nếu thấy đầy đủ giấy tờ thì cấp phép cho nhập. Tuy nhiên, khi hàng chuyển về Việt Nam, đơn vị kiểm tra lô hàng có đúng như cấp phép hay không lại là hải quan.

Bên cạnh đó, giấy phép nhập khẩu có thời hạn 1 năm. Lợi dụng điều này, sau khi nhập một lô hàng về bán cho đơn vị khác, DN có thể giải thể và lập DN mới. Nếu lô hàng có vấn đề, cơ quan chức năng sẽ không tìm được công ty chịu trách nhiệm.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo