Theo y văn, tỉ lệ sống sót của bệnh nhân Covid-19 ở mức độ phải nhập viện trong ngày nằm viện thứ 15 là 80%, đến ngày thứ 28 chỉ còn 70,4%.
Thống kê tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình cho thấy trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất (từ 24-8 đến 30-9) và hầu hết bệnh nhân nhập viện chưa được tiêm vắc-xin đủ ngày, đủ mũi, tỉ lệ tử vong giữ được ở mức thấp là 18%. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tử vong chỉ còn 2%.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại khu vực "tầng 3" của Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình TP HCM
Đó là những thông tin được PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình đưa ra tại phiên sáng 13-11 của Hội nghị Khoa học trực tuyến Tim mạch - Lão khoa quốc tế (ICCG) lần thứ V-2021, do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức.
Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 đa tầng đầu tiên của TP HCM, lực lượng chuyên môn do Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quận Tân Bình và CDC quận Tân Bình cùng phụ trách, nhận bệnh nhân cả tầng 1, 2, 3, tức từ nhẹ đến nguy kịch. Mô hình này ra đời xuất phát từ khó khăn lớn trong vấn đề chuyển tuyến cho bệnh nhân Covid-19 mà TP HCM đã gặp phải trong đợt bùng phát dịch vừa rồi.
Từ khi bắt đầu nhận bệnh, bệnh viện này gặp lượng bệnh nhân có mức độ nặng nhiều hơn dự kiến, trong đó ở tầng 3 có tới 3/7 số bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp bằng HFNC (ôxy dòng cao) trở lên và cả ECMO (tức nhóm bệnh nhân được phân loại là nguy kịch). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong vẫn được khống chế thấp hơn nhiều so với y văn.
Mô hình này giúp việc chuyển tuyến trở nên đơn giản, giảm thiểu tiêu hao nhân lực - vật lực y tế cũng như giúp bệnh nhân được chuyển lên tầng trên ngay lập tức khi có dấu hiệu trở nặng; giảm áp lực cho tầng trên nhờ "hạ tầng" dễ dàng khi bệnh nhân ổn định. Hạn chế việc di chuyển quãng đường dài và thời gian chờ đợi nhập viện cũng tác động tích cực đến việc điều trị.
Theo PGS Lê Đình Thanh, việc xây dựng mô hình đa tầng này giúp trách nhiệm điều trị ở các tầng đều được nâng cao, phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực điều trị.
Mô hình bệnh viện đa tầng này đang được TP HCM triển khai ở nhiều quận - huyện khác.
Bên cạnh đó, phân tích 727 bệnh nhân nhập viện từ ngày 24-8 đến 30-9 cho thấy 43% nhập viện với ít nhất 1 bệnh nền. Nhóm này có tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn nhóm còn lại và chiếm phần lớn tổng chi phí điều trị gần 13 tỉ đồng cho 727 bệnh nhân.
Vì thế, quản lý bệnh nền tốt ở cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỉ lệ tử vong lẫn gánh nặng điều trị trong dịch Covid-19.
Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19: Vấn đề tim mạch chiếm tỉ lệ cao
Nghiên cứu "Bệnh tim mạch và Covid-19 - hậu Covid-19" của PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào thông qua thụ thể ACE2 - có rất nhiều trong hệ thống tim và mạch máu, nên bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ lên hệ tuần hoàn. Bệnh nhân tim mạch sẽ dễ gặp Covid-19 nặng và ngược lại, tỉ lệ gặp biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Covid-19 cũng cao, nhất là các ca nặng.
Vấn đề tim mạch gặp phổ biến trong các trường hợp Covid-19 kéo dài (triệu chứng tiếp diễn trên 4 tuần) và hậu Covid-19 (triệu chứng tiếp diễn trên 12 tuần mà không giải thích được bằng chẩn đoán thay thế), bao gồm nhịp tim nhanh tư thế đứng, viêm cơ tim, suy tim, bệnh lý huyết khối, tắc mạch...
Trong số các trường hợp Covid-19 kéo dài, 1/3 bệnh nhân không thể trở lại làm việc và các hoạt động gắng sức như bình thường. Đây là một dấu hiệu phổ biến mà các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên trở lại bệnh viện để kiểm tra.
Bình luận (0)