Chiều 18-4, ThS-BS Trần Thúc Khang, Trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Xuyên Á TP HCM, cho biết nhờ báo động đỏ liên viện từ Bệnh viện huyện Củ Chi, ekip đã nhanh chóng thực hiện phẫu thuật cứu sống bệnh nhân L.K.H (34 tuổi, ngụ TP HCM) bị người khác dùng kéo đâm thủng tim, ngưng tim 3 lần trước lúc vào viện.
Trong lúc chờ bệnh nhân chuyển đến, nhiều ekip tại bệnh viện gồm: phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Gây mê hồi sức cùng Cấp cứu đã sẵn sàng tiếp đón, hồi sức và đưa ngay bệnh nhân vào phòng mổ trong vòng 3 phút.
Ekip gồm nhiều chuyên khoa phẫu thuật cứu nam thanh niên qua cơn thập tử nhất sinh (Ảnh minh họa)
Khi vào viện, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được, đồng tử còn co, có vết thương sắc gọn ở gian sườn 5 (dài 2cm) đang rỉ máu sẫm. Nhanh chóng, bệnh nhân được mổ khẩn trong đêm.
Bác sĩ Khang - người trực tiếp phẫu thuật cho biết vết đâm làm thủng tim (buồng thất phải) đang chảy máu thành vòi, chỉ cách động mạch vành (nhánh liên thất trước) khoảng 5mm, trong khoang màng tim khá nhiều máu loãng và máu cục, tim bị chèn ép và hầu như đập yếu ớt.
Ngay khi mở màng tim bác sĩ phát hiện vết đâm thủng tim đang chảy máu thành vòi
"Ngay khi mở màng tim, phẫu thuật viên bít tạm thời vết thương bằng tay đồng thời khâu lại vết thủng thất phải. Trong lúc đó, ekip gây mê hồi sức tích cực bù máu, dịch, thuốc vận mạch và điều chỉnh toan kiềm. Trong quá trình phẫu thuật tim có rung thất, các bác sĩ phải xoa bóp tim trực tiếp để tim đập lại hiệu quả", bác sĩ Khang kể lại.
Theo bác sĩ Khang, trước khi đóng ngực, các thông số huyết động (mạch, huyết áp) của bệnh nhân duy trì được trong giới hạn cho phép.
Sau 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu tỉnh, các rối loạn đông chảy máu và toan kiềm đã và đang được điều chỉnh gần trở về bình thường. Tuy sẽ còn nhiều diễn biến sau mổ, nhưng trước mắt bệnh nhân đã được cứu qua cơn thập tử nhất sinh.
Bác sĩ Khang cho biết tổn thương tim có thể chỉ đụng giập cơ tim hoặc nặng hơn là thủng hoặc xé rách các buồng tim, bung các van tim, thủng các vách trong tim hay tổn thương các động mạch vành.
"Vết thương tim nói chung nếu không xử trí tốt cấp cứu, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong do mất máu, chèn ép tim cấp và suy tim. Do đó, khi một nạn nhân có vết đâm ở vùng trước tim, có thay đổi huyết động (mạch nhanh, tụt huyết áp), thì nhất thiết phải đưa ngay đến những trung tâm có phẫu thuật về tim mạch và lồng ngực để giải quyết kịp thời, tránh làm những cận lâm sàng mất thời gian và không cứu được người bệnh", bác sĩ Khang chia sẻ.
Bình luận (0)