xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao lưu trực tuyến "Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam"

N.Dung

(NLĐO) - Báo Người Lao Động phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Mục tiêu là đảm bảo khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn, 95% đối tượng nguy cơ cao được tiêm, tiếp nhận và cung ứng kịp thời vắc-xin cho các đối tượng theo tình hình dịch…

Giao lưu trực tuyến Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Vắc-xin Covid-19 do Công ty AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển sắp về Việt Nam

Theo kế hoạch, trước mắt, Việt Nam sẽ được COVAX Facility hỗ trợ gần 4,9 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, cán bộ hải quan, cán bộ ngoại giao, lực lượng quân đội, lực lượng công an, giáo viên…. Việc lập danh sách các đối tượng tiêm vắc-xin miễn phí sẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch. Với người dân, việc tiêm vắc-xin dự kiến sẽ được triển khai trong những tháng cuối năm 2021.

Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang được người dân cả nước đặc biệt quan tâm. Để người dân hiểu rõ hơn về kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, Báo Người Lao Động phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam".

Nguyễn Phương Mai

  14:24 ngày 24/02/2021

Tôi là một nhân viên y tế làm ở tuyến xã. Xin cho hỏi trong đợt tiêm thứ nhất chỉ có nhân viên y tế tham gia chống dịch được tiêm thôi hay toàn bộ?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được triển khai phù hợp với tiến độ cung ứng vắc-xin, vùng nguy cơ và đối tượng nguy cơ. Cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch sẽ là các đối tượng ưu tiên sử dụng vắc-xin sớm nhất.

Trần Thị Kiều

  14:28 ngày 24/02/2021

Tôi đang trong thời gian mang thai, là giáo viên. Tôi có đọc thông báo thấy giao viên được tiêm đợt 2, nếu lúc đó mà tôi còn mang thai hoặc đã sinh nhưng đang cho con bú thì có tiêm được không? Nếu không được thì đến khi có thể tiêm được, tôi có được ưu tiên không?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với phụ nữ đang mang thai có thể tiêm vắc-xin Covid-19 nếu lợi ích của tiêm chủng lớn hơn nguy cơ sử dụng vắc-xin như trong trường hợp phụ nữ có thai thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm hoặc có nguy cơ mắc Covid-19 nặng.

Tương tự như vậy, đối với phụ nữ cho con bú và không khuyến cáo dừng việc cho con bú sau khi tiêm vắc-xin.

Nguyễn Văn Phúc

  14:33 ngày 24/02/2021

Vắc-xin này có chống chỉ định với người mang bệnh mạn tính nào không thưa bác sĩ, bởi cha tôi lớn tuổi và có đa bệnh lý. Tôi rất sợ dễ có phản ứng phụ.

PGS-TS Dương Thị Hồng

Vắc- xin Covid-19 được khuyến cáo sử dụng cho đối tượng từ 65 tuổi trở lên và các đối tượng có bệnh nền như béo phì, tim mạch, hô hấp, tiểu đường… vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Trước khi tiêm vắc-xin, các đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Phạm Như Giang

  14:37 ngày 24/02/2021

Vắc-xin này khi tiêm phản ứng phụ có nặng không? Tôi đang có ý định có con, nếu tiêm xong mấy tháng sau thì tôi có thể bắt đầu có thai được không?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Vắc-xin cũng như thuốc, khi sử dụng cũng sẽ có phản ứng không mong muốn bao gồm phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới ngày 23-2-2021, sau tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. 

Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %, tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỉ lệ phản ứng còn có thể cao hơn. Tổ chức Y tế thế giới không có khuyến cáo trì hoãn việc có thai sau khi tiêm chủng vắc-xin.

Hà An

  14:40 ngày 24/02/2021

Thưa PGS-TS Trần Đắc Phu, tôi được biết lô vắc-xin đầu tiên đã về Việt Nam vào sáng nay. Như vậy, những đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin? Người dân bình thường sẽ tiêm vắc-xin vào thời điểm nào?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Lô vắc-xin đầu tiên đã về tới Việt Nam sáng nay, trước khi nhận được lô vắc-xin này, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai rất cụ thể tiêm cho các đối tượng. Trước mắt tiêm cho các đối tương, gồm 11 đối tượng:

- Nhân viên y tế.

- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).

- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

- Lực lượng quân đội.

- Lực lượng công an.

- Giáo viên.

- Người trên 65 tuổi.

- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

- Những người mắc các bệnh mãn tính.

- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Chúng tá phải hiểu rằng, đối tượng có nguy cơ phải gắn với vùng có nguy cơ thì mới có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Không phải tất cả các đối tượng đó ở các địa bàn đều giống nhau. Trên có sở đó, Bộ Y tế có kế hoạch điều phối linh hoạt, đảm bảo tốt nhất phòng, chống cho những người có nguy cơ. Phòng, chống dịch bệnh cho những đối tượng đó cũng là phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng.

Với người dân bình thường, quan điểm của Chính phủ là sẽ tiêm hết cho người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ban đầu chưa có đủ vắc-xin thì sẽ ưu tiên cho đối tượng người dân nguy cơ cao. Theo danh mục ở trên, những đối tượng là người dân có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền... cũng là đối tượng có nguy cơ cao nên mong người dân chấp hành theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

Ánh Hồng

  14:41 ngày 24/02/2021

Sau khi về Việt Nam, hệ thống kho lạnh bảo quản vắc-xin được thực hiện như thế nào?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Hiện nay, hệ thống dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin của Việt Nam bao gồm dây chuyền lạnh trong TCMR ở các tuyến và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ có khả năng đáp ứng đủ dung tích bảo quản vắc-xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên diện rộng.

Trong năm 2014, Dự án TCMR đã từng tiếp nhận và bảo quản trên 25 triệu liều vắc xin sởi-rubella an toàn để tổ chức tiêm chiến dịch cho 20 triệu đối tượng. Trong thời gian gần đây, Dự án TCMR đã được trang bị thêm tủ lạnh thế hệ tiên tiến nhất đảm bảo dung tích bảo quản cho các tuyến trong TCMR. Tới đây, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hệ thống dây chuyền lạnh sẽ tiếp tục được trang bị bổ sung.

Anh Dũng

  14:42 ngày 24/02/2021

Các chuyên gia dịch tễ đánh giá vắc-xin vẫn là biện pháp bền vững nhất để đối phó với đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình tiêm vẫn có tỉ lệ tai biến. Đặc biệt, với một loại vắc-xin mới như Covid-19 thì Bộ Y tế đã có những phương án ứng phó với các tai biến có thể xảy ra khi tiêm chủng Covid-19 như thế nào?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Để đảm bảo triển khai vắc-xin an toàn, trước khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid 19, cán bộ y tế sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. Việc triển khai vắc-xin sẽ theo tiến độ cung ứng vắc-xin và việc triển khai sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến.

 

Nguyễn Thanh Hùng

  14:43 ngày 24/02/2021

Phần trăm người cần được tiêm chủng ngừa để đạt mức miễn dịch cộng đồng đối với dịch Covid-19 là bao nhiêu?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Tiêm vắc-xin là phương pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng Covid-19.  Để đảm bảo được miễn dịch cộng đồng thì cần tiêm chủng tối thiểu cho khoảng 70% dân số trong cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có đủ vắc-xin bao phủ trong cộng đồng, chúng ta cần tuân thủ thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Trần Bắc

  14:43 ngày 24/02/2021

Hàng rào bảo vệ từ vắc-xin ngừa Covid-19 có thể kéo dài bao lâu cho những người đã được tiêm chủng?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Vắc xin phòng Covid-19 là một vắc-xin mới, những số liệu về thời gian duy trì miễn dịch bảo vệ phòng Covid-19 đang được theo dõi và đánh giá.

Đặng Huy

  14:44 ngày 24/02/2021

Những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin Covid-19?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Cũng như sử dụng thuốc hay các loại vắc-xin khác đều có thể có phản ứng không mong muốn bao gồm: Phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng /hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca, các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %.

Tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỉ lệ phản ứng còn có thể cao hơn, cụ thể đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (>40%); sốt, ớn lạnh (>30%); và đau khớp, buồn nôn (>20%).

Quân Anh

  14:46 ngày 24/02/2021

Cháu chào PGS Trần Đắc Phu, cháu rất vui khi biết được thông tin Việt Nam sẽ tiêm vắc-xin miễn phí cho người dân, nhất là đối tượng nguy cơ cao. Trong gia đình cháu có bố mẹ cháu đều là người trên 70 tuổi lại có bệnh mạn tính. Vậy bố mẹ cháu có thuộc diện ưu tiên được tiêm vắc-xin không ạ? Với những người có bệnh mạn tính có cần phải làm xét nghiệm hay chuẩn bị sức khoẻ trước khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không, thưa ông?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Theo kế hoạch tiêm vắc-xin của Bộ Y tế hiện nay, danh sách người già là một trong những đối tượng thứ 7 được ưu tiên tiêm vắc-xin nhưng trước hết những người già ở vùng có nguy cơ cao (vùng dịch, TP lớn, nơi tập trung đông người cũng phải ưu tiên tiêm trước đối tượng người già ở nơi không có nguy cơ). Trong thời điểm trước mắt, Việt Nam chưa có đủ vắc-xin, chúng ta sẽ ưu tiêm tiêm vắc-xin cho đối tượng ở vùng nguy cơ trước sao cho hợp lý.

Tất nhiên về bản chất các vắc-xin này cũng an toàn, tuy nhiên trước khi tiêm vắc-xin cũng cần phải khám sàng lọc và Bộ Y tế cũng có những tiêu chí loại trừ những trường hợp mà không nên tiêm vắc-xin như người có tiền sử dị ứng với vắc-xin hoặc những những người có bệnh cấp tính mà không thể tiêm vắc-xin được

Như Mai

  14:47 ngày 24/02/2021

Thưa PGS, tôi được biết các vắc-xin mới khi nhập về Việt Nam đều phải tiến hành tiêm thử nghiệm độ an toàn rồi mới tiêm đại trà cho người dân. Tại sao vắc-xin ngừa Covid-19 lại bỏ qua bước này? Nếu tiêm ngay có sợ vắc-xin không thích ứng với người dân Việt Nam hay không?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Lô vắc-xin Covid-19 nhập sáng 24-2 là vắc xin của hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam là vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định. Về nguyên tắc, khi nhập vào Việt Nam có thể tiêm ngay được và thực tế vắc-xin này cũng đã được tiêm hàng chục nước trên thế giới.

Để thực hiện phòng, chống dịch khẩn cấp, Việt Nam có thể tiến hành tiêm ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt nhưng trong quá trình tiêm cũng đã được Cục Quản lý dược- đơn vị cấp phép; Cục Y tế dự phòng - đơn vị triển khai; Cục Khoa học- Đạo tạo - đơn vị đánh giá lâm sàng phối hợp để theo dõi, giám sát, đánh giá để đảm bảo vắc-xin được triển khai tiêm một cách an toàn và có hiệu quả phòng, chống dịch cho người dân.

Nguyễn Nga

  14:48 ngày 24/02/2021

Tôi rất mừng khi nghe thông tin Việt Nam sắp có vắc-xin ngừa Covid-19. Tôi là người dân sống ở Quảng Ninh, vậy đối tượng như tôi thì khi nào sẽ được tiêm vắc-xin?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Quan điểm của Chính phủ là tất cả người dân Việt Nam đều được tiêm vắc-xin. Tôi được biết chính quyền tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm tới người dân và mong muốn tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân Quảng Ninh. Tuy vậy, trong lúc vắc-xin chưa thể nhập được nhiều và hiện việc tiêm vắc-xin vẫn theo sự chỉ đạo cho các đối tượng có nguy cơ theo kế hoạch của Bộ Y tế. Vì vậy, bác có thể chờ đợi đến 1 thời điểm có đủ vắc-xin để tiêm cho những đối tượng người già, bác có thể được tiêm chủng.

Thanh Linh

  14:49 ngày 24/02/2021

Tôi muốn đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 dịch vụ, tôi có thể tự trả tiền mà không cần Nhà nước miễn phí có được hay không? Nếu được,tôi sẽ tiêm ở đâu?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Hiện nay, chúng ta chưa có đủ vắc-xin nên việc triển khai tiêm vắc-xin vẫn theo quy định và sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Như bạn biết vừa qua Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc-xin cho 11 nhóm đối tượng. Đó là những đối tượng làm nhiệm vụ ở nơi có nguy cơ cao và hiện nay, theo tôi được biết chưa có chỉ đạo việc tiêm vắc-xin dưới dạng tiêm dịch vụ như các loại vắc-xin khác mà chúng ta đang triển khai ở các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Nguyễn Mạnh

  14:49 ngày 24/02/2021

Những đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 và khi nào chúng ta có thể bắt đầu việc tiêm chủng này? Có chống chỉ định vắc-xin Covid-19 cho nhóm đối tượng nào hay không?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Những đối tượng ưu tiên như tôi đã nói ở trên còn vắc-xin hiện nay đã về tới Việt Nam. Tôi biết rằng Bộ Y tế đã có kế hoạch và chắc chắn để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch khẩn cấp thì việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sẽ được triển khai trong một ngày gần nhất.

Dương Tấn Hải

  14:51 ngày 24/02/2021

Việc tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được tổ chức như thế nào? Cần những điều kiện gì để việc tiêm chủng được an toàn?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Theo kế hoạch, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc-xin.

Dựa trên hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng bao gồm TCMR tại xã, phường, điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. …

Đồng thời trong năm 2020, Dự án TCMR đã được tập huấn hướng dẫn cho cán bộ tiêm chủng toàn quốc về tiêm chủng an toàn và phòng, chống lây nhiễm SAR-COV-2... để đảm bảo tổ chức tiêm chủng vắc-xin an toàn ngay trong bối cảnh có dịch.

Tuy nhiên, vắc-xin phòng Covid-19 là vắc-xin mới, do vậy cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... để đảm bảo triển khai vắc-xin an toàn.

Trần Quốc Tiến

  14:51 ngày 24/02/2021

Thưa bà, tôi phải chuẩn bị sức khoẻ như thế nào trước thời điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tôi có phải kiêng rượu bia nhiều tuần như khuyến cáo ở Nga hay không?

PGS-TS Dương Thị Hồng

Trước khi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hay bất kỳ 1 loại vắc-xin nào, đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện về sức khỏe. Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm. Đáp ứng miễn dịch sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu sức khỏe của đối tượng tiêm chủng bình thường. Vì vậy khi đi tiêm chủng, người dân cần phối hợp với cán bộ y tế chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại.

Nguyễn Nam

  14:52 ngày 24/02/2021

Sau khi tiêm bao lâu thì cơ thể sẽ miễn nhiễm 100% với virus gây bệnh Covid-19?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Các bạn biết đấy, việc tiêm vắc-xin bình thường sau một thời gian mới có kháng thể để chống lại virus. Thường thì 15 ngày cơ thể sẽ có miễn dịch nhưng mức độ bảo vệ còn tuỳ thuộc vào loại vắc-xin, tùy vào từng đối tượng và sau tiêm một mũi hay sau tiêm mũi nhắc lại lần 2.

Đối với vắc-xin Covid-19 Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca sáng nay 24-2 thì miễn dịch khoảng 60- 70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Nhưng theo tôi, với việc đáp ứng miễn dịch như vậy, việc bảo quản vắc-xin này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.

Vì vậy, trong thời điểm nguy cơ dịch trên thế giới vẫn còn lây lan và nguy cơ dịch trong nước vẫn còn cao nên cũng không vì có vắc-xin hoặc đã được tiêm vắc-xin mà chúng ta lơ là phòng bệnh. Tôi khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.

Khánh Duyên

  14:55 ngày 24/02/2021

Với những cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp muốn đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên thì như thế nào?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng hiện nay sẽ ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ đã được đề cập trong kế hoạch của Bộ Y tế, còn các doanh nghiệp muốn tiêm cũng phải ưu tiên cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên trước. Tại thời điểm này, chúng ta chưa triển khai tiêm dịch vụ vắc-xin Covid-19.

Nguyễn Phương Mai

  14:56 ngày 24/02/2021

Tôi là một nhân viên y tế làm ở tuyến xã. Xin cho hỏi trong đợt tiêm thứ nhất chỉ có nhân viên y tế tham gia chống dịch được tiêm thôi hay toàn bộ?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Bộ Y tế đã có kế hoạch đối tượng tiêm ưu tiên, trong đó nhân viên y tế là một trong những đối tượng ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, theo tôi thì những đối tượng ở địa điểm nguy cơ cao hơn sẽ được tiêm trước. Chẳng hạn, nhân viên y tế ở vùng đang có dịch có thể sẽ được tiêm trước.

 

Quỳnh Nga

  15:05 ngày 24/02/2021

Ngoài vắc-xin của Astra Zeneca này còn vắc-xin ngừa Covid-19 nào được chúng ta lựa chọn nữa?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Theo tôi được biết, hiện nay ngoài vắc-xin Astra Zeneca, Việt Nam có thể đàm phán để có được vắc-xin khác như của hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V Nga và vắc-xin của Trung Quốc và Việt Nam cũng đang sản xuất vắc-xin Nano vax, Covivac.... Chúng ta mong muốn có đủ vắc-xin tiêm cho người dân Việt Nam trên cơ sở có nhiều loại vắc-xin khác nhau.

Như Quỳnh

  15:06 ngày 24/02/2021

Vì sao giáo viên lại được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19? Tôi là giáo viên nhưng ở địa phương tôi chưa có dịch Covid-19, vậy tôi có được ưu tiên không ?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Giáo viên là đối tượng được đề cập trong bản kế hoạch ưu tiêm tiêm vắc-xin của Bộ Y tế vì giáo viên thường xuyên tiếp xúc với học sinh ở các địa điểm khác nhau khi tới lớp học. Đồng thời, phòng bệnh cho giáo viên cũng là phòng bệnh cho học sinh. Tôi thiết nghĩ đây là quan điểm nhân văn của Bộ Y tế khi xây dựng kế hoạch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19.

Nguyễn Mai

  15:06 ngày 24/02/2021

Theo ông, vắc-xin ngừa Covid-19 "phủ sóng" bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam thì chúng ta không còn lo dịch bệnh tấn công?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy, chúng ta phải có ít nhất 60- 70% dân số được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Mai Thắng

  15:18 ngày 24/02/2021

Xin cho hỏi mỗi người tiêm mấy mũi vắc-xin, thời gian tiêm cách nhau bao lâu? Quá trình tiêm cần phải kiêng cữ gì? Những người không nằm trong "đối tượng tiêm năm 2021" thì có thể mua để tiêm được không? Nếu mua thì ở đâu bán?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vắc-xin Astrazeneca. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm cũng không cần phải kiêng cữ gì nhưng cần theo dõi nếu có sự khác thường về sức khoẻ thì báo ngay cho cơ sở y tế.

Quỳnh Nga

  15:19 ngày 24/02/2021

Trong bối cảnh hiện nay, khi người dân chưa thể tiêm vắc-xin 100% thì cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như thế nào để chung sống an toàn với dịch?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Hiện nay muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vắc-xin ở 60-70% dân số, trong khi việc tiêm vắc-xin chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vắc-xin vừa được tiêm. Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vắc-xin được 50% dân số thì chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo