Sáng nay 11-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 là chuyên gia đến từ Serbia, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Đó là ca bệnh 370 (BN370), nam, 29 tuổi, quốc tịch Serbia, chuyên gia của Tập đoàn Hòa Phát, nhập cảnh từ Oman về sân bay Đà Nẵng vào ngày 9-7, được cách ly tập trung ngay tại tỉnh Quảng Ngãi.
Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 9-7, kết quả xét nghiệm ngày 10-7 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại cơ sở cách ly 2 Khu công nghiệp Dung Quất.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đón khoảng 1.000 chuyên gia nước ngoài đến tham gia công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất và làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Từ giữa tháng 5, Quảng Ngãi đã đón tổng cộng gần 350 chuyên gia đến làm việc. Tất cả các chuyên gia này khi đến Quảng Ngãi sẽ được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
87 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng- Nguồn: Bộ Y tế
Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 370 ca mắc Covid-19, trong đó 350 người đã được điều trị khỏi (chiếm 94,6%). Việt Nam cũng đã qua 87 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Liên quan đến bệnh nhân 91, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết hôm nay 11-7, Bệnh viện Chợ Rẫy tiễn bệnh nhân ra viện về nước với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Tổng lãnh sự quán Anh, UBND TP HCM, Sở Y tế TP HCM, Đoàn bay 919 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Trước đó, ngày 3-7, bệnh nhân 91 đã được công bố khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly.
Chiều cùng ngày hôm nay 11-7, Bệnh viện Chợ Rẫy và phòng khám gia đình làm các thủ tục bàn giao để bệnh nhân kịp lên chuyến bay khởi hành ra Hà Nội lúc 19 giờ. Lúc 23 giờ, chuyến bay xuất phát từ Nội Bài sẽ lên đường đưa bệnh nhân về Anh.
Toàn bộ kế hoạch vận chuyển bệnh nhân đều do phòng khám gia đình xây dựng, bao gồm danh mục thiết bị y tế và thuốc.
Phi công người Anh hồi phục kỳ diệu và được xuất viện về nước - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Trước đó, ngày 9-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị việc chuyển bệnh nhân về nước. Buổi làm việc có sự tham gia của Tổng lãnh sự quán Anh tại TP HCM, phòng khám gia đình (đơn vị thực hiện chuyển bệnh nhân), Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines (cơ quan chủ quản của bệnh nhân).
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM bắt đầu từ ngày 18-3 đến chiều 22-5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22-5 đến nay.
Những chuẩn bị cuối cùng trước khi phi công người Anh về nước - Ảnh: Ng.Thạnh
Được biết, thay vì bay đến Anh bằng Airbus 350 như bình thường trước nay, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chọn Boeing 787-10, máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của Vietnam Airlines, đưa bệnh nhân 91 hồi hương. Đây cũng là chiếc máy bay mà nam phi công người Anh, từng cầm lái vào ngày 16-3-2020 khi ông về đội bay của hãng. Trước khi máy bay cất cánh rời Tân Sơn Nhất, đại diện Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines sẽ có mặt tại sân bay để chia tay thành viên trở về nước.
Dự kiến, tổng thời gian các chuyến bay khoảng hơn 32 tiếng, bao gồm cả chuyến bay từ TP HCM đến Hà Nội để nối chuyến sang sân bay Frankfurt. Theo đó, khi đến sân bay Nội Bài, phi công sẽ được hỗ trợ di chuyển đến ga quốc tế, chuyến bay sẽ cất cánh rời Việt Nam lúc 23 giờ đêm 11-7.
Chuyến bay không đến thẳng Lodon (Anh) mà hạ cánh tại sân bay Frankfurt (Đức) lúc 6 giờ sáng 12-7 để phục vụ một số hành khách quá cảnh tại đây. Sau đó, máy bay sẽ tiếp tục hành trình từ Frankfurt đến sân bay Heathrow (Anh). Nam phi công sẽ được ngồi khoang hạng thương gia và có 3 ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng.
Phi công người Anh là ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở quán bar Buddha (TP HCM). Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ ngày 18-3 và được điều trị khỏi Covid-19. Sau đó, từ chiều 22-5 đến nay bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Suốt gần 4 tháng điều trị, đã có những lúc sức khỏe của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2. Bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) trong thời gian dài, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Do cơ thể bệnh nhân không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có nên Bộ Y tế đã phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân.
Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe của nam phi công. Các chuyên gia cũng đưa ra phương án ghép phổi đối với nam phi công người Anh... Tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khỏe nam phi công đã hồi phục kỳ diệu.
Bình luận (0)