Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (Số 4 Trương Quốc Dung, phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM) số tiền 50 triệu đồng với lý do quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Thảo dược Toppy trên các website: https://tritieuduongtuyp2.net và https://lotuzz.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh tiểu đường.
Doanh nghiệp bị phạt 50 triệu đồng do thổi phồng công dụng sản phẩm - Ảnh minh họa
Ngoài doanh nghiệp nói trên, Cục An toàn thực phẩm cũng phạt 3 cơ sở kinh doanh sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng (TPCN) số tiền gần 80 triệu đồng do các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội số tiền 40 triệu đồng do sản xuất 1 lô sản phẩm TPBVSK Ginkgo 600, số lô: 030517; NSX: 040517; HSD: 040520 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Cũng liên quan đến sản phẩm này, Cục An toàn thực phẩm cũng phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm Liên doanh Việt Pháp do bán 1 lô sản phẩm TPBVSK Ginkgo nói trên có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Trước đó, sản phẩm Ginkgo 600 của Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế USA từng bị dừng lưu thông vì mẫu sản phẩm này có kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng. Sản phẩm còn bị xử phạt vì quảng cáo có tác dụng như thuốc điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não.
Sản phẩm Ginkgo 600 mg từng bị xử phạt nhiều lần do vi phạm chất lượng
Cùng đó, phạt Công ty TNHH Dược phẩm Trung Hàn (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) số tiền gần 36 triệu đồng do sản xuất và bán 1 lô sản phẩm TPCN Siro Highpro, số lô: 010216; NSX: 180216; HSD: 180219 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các sản phẩm TPCN và TPBVSK trước khi bán ra thị trường đều phải được thẩm định theo quy định về mặt an toàn, công dụng của sản phẩm và các cảnh báo.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trang bán hàng online có một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc đông y được chào bán mà không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý. Phổ biến là việc người bán hàng sử dụng mạng xã hội để bán hàng TPCN, TPBVSK, nhiều đối tượng thậm chí sử dụng hình ảnh, phát ngôn người nổi tiếng để quảng cáo. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân. Có sản phẩm quảng cáo ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn, nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học, đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Ông Phong cho biết dù đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó…
Bình luận (0)