“Tại Việt Nam, hễ nhức đầu sổ mũi là ra nhà thuốc mua kháng sinh về uống, nếu uống một vài ngày thấy bớt bệnh thì cứ thế dùng luôn kháng sinh. Kiểu này sao không kháng thuốc được? Nếu không hành động ngay từ hôm nay thì ngày mai sẽ hết thuốc” - Bộ Y tế một lần nữa lên tiếng cảnh báo.
Không chỉ người bệnh lạm dụng kháng sinh!
Anh T.X.Đ (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), có thân hình phốp pháp, khỏe mạnh nhưng thường bị đau chân. Mỗi lần như vậy, anh ghé tiệm thuốc gần nhà kể bệnh và được bán 8 loại thuốc (đã cắt khỏi vỉ và cho vào bịch ni-lông). Về uống vài ngày đầu, anh cảm thấy giảm đau rõ rệt. Từ đó, hễ đau chân là anh ra tiệm mua thuốc dù không rành loại thuốc này. Mới đây, lại bị đau chân cấp tính, anh cũng ra nhà thuốc mua về uống nhưng lần này không bớt. Đến bệnh viện (BV) khám, đưa bác sĩ xem thử các loại thuốc anh thường uống thì được biết có 3 loại kháng sinh. “Anh bị đau chân là do chèn thần kinh ngoại biên, sao lại đi uống quá nhiều kháng sinh!” - bác sĩ thốt lên ngạc nhiên.
Một lãnh đạo trong ngành y tế của một tỉnh miền Tây mới đây đưa con lên TP HCM mổ ruột thừa đã bất ngờ với việc kê đơn của bác sĩ. Theo vị này, con ông mổ nội soi ruột thừa tại một BV lớn đóng trên địa bàn quận 5, TP HCM, trong đơn thuốc, ông thấy bác sĩ kê 3 loại kháng sinh và cho về uống một tuần lễ. “Mổ ruột thừa chỉ là thủ thuật đơn giản. Là người trong ngành tôi nhìn là biết, sao họ kê nhiều kháng sinh cho bệnh nhân đến vậy” - ông thắc mắc.
Theo Bộ Y tế, tình trạng lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh không đúng quy định, không an toàn diễn ra trong cộng đồng và ngay ở các cơ sở y tế lớn. Thuốc kháng sinh được bán phổ biến, chiếm tỉ lệ lớn trong các nhà thuốc ở nông thôn lẫn thành thị nhưng hầu hết được bán mà không cần đơn thuốc với tỉ lệ rất cao: gần 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. TS-DS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược BV Chợ Rẫy, cho biết người dân vẫn có thói quen mua thuốc không cần kê toa, trong khi nhà thuốc vì lợi nhuận nên họ “dại gì mà hổng bán”.
Nguy cơ hết thuốc chữa
Dẫn ra thực trạng này, bác sĩ Võ Thành Đông, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết hiện kháng sinh ở Việt Nam trôi nổi trên thị trường khá nhiều, chưa được quản lý chặt chẽ; phần lớn BV, các trạm y tế điều trị bệnh là điều trị bao vây, khi nghĩ đến bệnh là cứ sử dụng kháng sinh. Nguyên nhân khiến các BV sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ, theo ông Đông, chính là do BV hay các nhà thuốc bán lẻ chạy theo doanh số nhà sản xuất để lấy hoa hồng. Đối với bác sĩ, cứ thấy có bệnh là “đánh” kháng sinh, không cần biết có nên dùng hay không, thậm chí dùng cùng lúc 2, 3 loại; còn nhà thuốc thì cứ khi nào người dân đến nói bệnh là bán kháng sinh, không cần toa của bác sĩ.
Bức tranh kháng thuốc BV mà Bộ Y tế mới công bố thật đáng lo ngại. Khảo sát 15 BV tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… cho thấy có 30%-70% vi khuẩn gram âm đã kháng với kháng sinh cephalosporins thế hệ 3, thế hệ 4; 40%- 60% kháng với kháng sinh aminoglycosid và fluoroquinono. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với kháng sinh imipenem. Trong khi đó, một số kháng sinh mới đưa vào thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây như imipenem, cilastatin, carbapenem… cũng đã giảm nhạy cảm với các trực khuẩn gram âm không sinh men. Tỉ lệ đề kháng với kháng sinh imipenem, cilastatin của vi khuẩn Pseudomonas spp tăng dần qua các năm, từ 12,5% vào năm 2003 lên đến 18,4% vào năm 2006.
Giới chuyên môn cho biết việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều loại dịch bệnh hết thuốc chữa! Để giải quyết vấn đề cấp bách trên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - yêu cầu kiểm soát chặt kháng sinh trôi nổi trên thị trường, chế tài nghiêm đối với các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn. Ngoài ra, phải bình đơn thuốc của bác sĩ trong BV hằng ngày, hằng tuần và có biện pháp chế tài mạnh đối với bác sĩ lạm dụng kháng sinh. Hiện Bộ Y tế đã thành lập đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế nhằm chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động phòng, chống kháng thuốc.
“Tình trạng lạm dụng kháng sinh ở nước ta đã đến mức nghiêm trọng. Nhiều loại vi khuẩn, thậm chí cả virus, đang lưu hành rộng rãi trên nhiều loại bệnh ở Việt Nam như viêm phổi, lao, sốt rét và cả HIV đều đã kháng thuốc. Đã đến lúc phải hành động quyết liệt trước khi quá muộn” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.
“Trong khi nhiều nước vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì nước ta đã dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4” - GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, lo lắng.
Bình luận (0)