Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Toàn, chuyên khoa Da Liễu, hệ thống phòng khám Victoria Healthcare, trả lời:
Mụn cóc là tình trạng tăng sinh lành tính ở lớp nông thượng bì da do nhiễm siêu vi HPV, rất hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Siêu vi mụn cóc phát tán thuận lợi trong một số môi trường mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc như: Hồ bơi, phòng tập gym, các khu vui chơi công cộng… Siêu vi có thể lây qua da lành khi da tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người bệnh. Đối với da có sẵn vết trầy xước hoặc da đang mắc một số bệnh lý (như chàm, da bị giảm miễn dịch…), khả năng bị nhiễm siêu vi sẽ cao hơn.
Trước khi chỉ định phương pháp điều trị mụn cóc, bác sĩ cần phải cân nhắc các tiêu chí: Loại mụn cóc, vị trí, mức độ gây khó chịu, tình trạng miễn dịch của da cũng như sự hợp tác của bệnh nhân. Cần phải nhớ rằng mụn cóc vẫn có thể tái phát sau điều trị và 2/3 các trường hợp mụn cóc có thể tự khỏi sau 2 năm mà không cần sự can thiệp của bác sĩ. Hiện nay, có một số phương pháp điều trị mụn cóc đang được sử dụng phổ biến như sau:
Bôi acid salicylic và acid lactic 15 – 35% hàng ngày và băng kín. Chấm hoặc xịt nito lỏng, đốt điện, laser.
Đối với trường hợp của bé, theo như bạn mô tả thì đó có thể là mụn cóc. Tuy nhiên, mụn cóc rất dễ bị nhầm với cục chai da nếu không được kiểm tra kỹ. Bạn nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có chẩn đoán chính xác, không nên tự cắt mụn bằng những dụng cụ không được vô trùng dễ gây nhiễm trùng tại các vết thương và làm cho tình trạng nặng hơn.
Bình luận (0)