xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muốn đón Tết trong bệnh viện, hãy ăn những món này!

Ngọc Dung

(NLĐO)- Ăn tiết canh... lấy may, ăn uống thả phanh, uống nhiều bia rượu... vào ngày Tết có thể khiến bạn phải đón Tết trong bệnh viện.


Muốn đón Tết trong bệnh viện, hãy ăn những món này! - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân bị hoại tử chân tay chỉ vì món khoái khẩu tiết canh

Tìm vận may trong... bát tiết canh

Do tập quán ăn tiết canh... cho đỏ hay lấy may mà hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết là số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn vì ăn tiết canh tăng bất thường. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết có những bệnh nhân bị liên cầu khuẩn được chuyển đến đúng đêm giao thừa sau 3 ngày ăn nhậu tất niên với 2 bát tiết canh để lấy may. Thế nhưng, may đâu chưa thấy, chỉ biết tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân vật vã và hôn mê do vi khuẩn liên cầu tấn công gây viêm màng não mủ.

Không ít trường hợp sau ăn tiết canh lấy "đỏ" thì đã phải điều trị xuyên Tết trong bệnh viện. "Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốc, xuất hiện các ban hoại tử vùng tay, cẳng chân... do mắc liên cầu lợn. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong ngay trong những ngày đầu năm mới"- bác sĩ Cấp nói.

Bác sĩ Cấp cho biết trước và sau Tết là thời gian cao điểm của số ca mắc liên cầu khuẩn. "Có lẽ nhìn bát tiết canh bắt mắt, nhiều người không thể kìm lòng. Nhưng trong tiết canh tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, liên cầu lợn. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Nhìn hình ảnh bệnh nhân với những ban hoại tử vùng da chân, tay rất khủng khiếp, nhưng với nhiều người, nỗi sợ hãi không vượt qua được sở thích món khoái khẩu"- bác sĩ Cấp cảnh báo.

Liên cầu khuẩn lợn gây ra tình trạng bệnh lý rất nặng nề, đe dọa tử vong cao, nếu bệnh nhân qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng cho người bệnh, nhất là tình trạng giảm thính lực.

Ăn thả phanh rồi... nhập viện

Muốn đón Tết trong bệnh viện, hãy ăn những món này! - Ảnh 2.

Chăm sóc vết thương cho bệnh nhân bị biến chứng phải cắt chi do bệnh tiểu đường

PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết chỉ 1, 2 ngày sau lễ đón mừng năm mới, số bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện do bệnh tiến triển nặng cao hơn nhiều so với ngày thường. Đó là do chế độ ăn uống và giải trí quá "vô tư" trong những dịp vui này. Lý do là các thức ăn truyền thống của ngày Tết vốn không thích hợp cho người đái tháo đường vì có quá nhiều chất béo như giò thủ, canh măng… hoặc dễ làm tăng đường máu như xôi, bánh chưng. Vì thế, dù người bệnh tiểu đường đến mỗi nhà chỉ dùng một lượng nhỏ cũng có thể khiến đường huyết tăng vù vù. 

"Với không ít bệnh nhân tiểu đường, mỗi khi tết đến, xuân về, bạn bè, người thân, con cháu tụ họp đông đủ thì không ít người cảm thấy như cực hình khi phải chật vật chống chọi lại sự cám dỗ từ những mâm cơm thịnh soạn, hấp dẫn. Hoặc có người dù không muốn nhưng sợ cả nhà buồn hoặc vì những lời động viên của người thân "ngày Tết ăn chút cũng không sao" nên tặc lưỡi, gật đầu ăn vài miếng cho cả nhà vui. Kết cục, có không ít bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện cấp cứu ngay mùng 1 Tết"- bác sĩ Lương nói.

Theo giới chuyên môn, người mắc bệnh rối loạn chuyển hoá, nhất là bệnh tiểu đường, cần ăn uống điều độ, đúng giờ, duy trì chế độ luyện tập thể thao chứ không nên suy nghĩ chỉ cần uống thuốc đều đặn là đủ. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên "kiêng" uống thuốc trong những ngày năm mới vì có nguy cơ tăng đường huyết, dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Nên ăn nhiều rau xanh như: bông cải xanh, bí ngô, cà rốt, hành tây,… và hạn chế nhóm chất đạm, bột đường,… Hạn chế các loại thức ăn có nhiều đạm, đường, phủ tạng động vật, trứng, sữa hoặc thức ăn chiên rán. Nên hạn chế ăn những đồ chiên rán, nếu là món xào thì nên vặn lửa to và đảo nhanh, những thực phẩm thích hợp với ăn tươi, lạnh thì không nên nấu chín, hạn chế ăn đồ muối (vì trong đồ muối có chứa muối acid nitrous – một chất gây ra ung thư), và nên ăn nhiều chế phẩm từ đậu. Mỗi người mỗi ngày chỉ được ăn nhiều nhất là 6 g muối, khoảng một muỗng nhỏ.

Uống xong... bổ ngửa

Muốn đón Tết trong bệnh viện, hãy ăn những món này! - Ảnh 3.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc

Dù đã cảnh báo rất nhiều, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, mỗi đợt nghỉ lễ, Tết, số ca ngộ độc rượu lại gia tăng đáng kể, không ít ca ngộ độc nặng tử vong. Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2018, đã có hàng chục ca ngộ độc rượu phải nhập viện. Trong số này đã có 4/12 bệnh nhân ngộ độc rượu tử vong. Theo bác sĩ Nguyên, người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu dẫn đến hạ đường huyết, gây tổn thương não càng cao. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp còn phải chịu di chứng sau điều trị ngộ độc rượu như suy thận, viêm tụy… Đáng nói, nhiều gia đình do xử trí không đúng cách, sau khi bệnh nhân ngộ độc không còn nhận biết đã cố cho ăn, uống thuốc giải rượu, làm tràn vào phổi khiến bệnh nhân thêm viêm phổi.

Muốn đón Tết trong bệnh viện, hãy ăn những món này! - Ảnh 4.

Rượu thuốc là nguyên nhân của nhiều ca ngộ độc rượu ngày Tết

Theo bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện cả chục lần do xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ Nam khuyến cáo rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan. Do đó, những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan. Ngay cả với những sản phẩm giải rượu thì cũng không có tác dụng "chống say", phòng tránh ngộ độc rượu thật sự, mà có chăng đó chỉ mang tính hỗ trợ một phần và bù các chất điện giải.

"Sát thủ" methanol

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết ở Việt Nam có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu có quy mô lớn, sản xuất khoảng 360 triệu lít rượu/năm; các cơ sở sản xuất nhỏ có sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, các hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Năm 2017, cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu làm 119 người nhập viện, 11 người chết. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đã có 40 trường hợp tại 12 quận/huyện bị ngộ độc rượu có chứa methanol. Trong số các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo