Ngày 27-12, BS. CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết nơi đây vừa cứu sống một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt với nguy cơ tử vong rất cao nhờ sử dụng can thiệp qua nội soi bằng clíp kẹp cầm máu.
Các bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng cấp cứu tại giường
Theo đó, bệnh nhân N.V.C, (65 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng đi tiêu phân đen lẫn máu đỏ tươi lượng nhiều, lơ mơ, niêm nhạt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo.
Trước đó, bệnh nhân được nội soi đại tràng và có can thiệp cắt polyp đại tràng tại một bệnh viện tư. Từ đó, tình trạng xuất huyết tiêu hóa tiếp tục diễn tiến nặng, suy hô hấp được thở máy, sử dụng vận mạch nâng huyết áp, truyền máu, chống toan. Xác định đây là một trường hợp bệnh nặng, nguy kịch, vượt quá khả năng chuyên môn nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ cho hồi sức tích cực: đảm bảo hô hấp, bồi phụ khối lượng tuần hoàn. Thực hiện qui trình báo động đỏ nội viện. Bệnh nhân được tiếp tục thở máy, truyền dịch, truyền 3 khối hồng cầu từ 350ml máu toàn phần, 4 đơn vị huyết tương... Sau hồi sức tích cực, sinh tồn bệnh nhân có cải thiện.
Kết quả nội soi trực tràng: máu đỏ tươi toàn bộ trực tràng bơm rửa sạch rất khó khăn. Trong quá trình nội soi cho thấy có 3 ổ loét đường kính 1-12mm, có một ổ loét còn nhú mạch máu đang chảy, kẹp 1 clíp cầm máu, bơm rửa thấy gần góc gan một ổ loét to đường kính 2,5cm có nhú mạch máu to, còn rịn máu đỏ tươi, kẹp 2 clíp cầm máu. Sau kẹp, không còn tình trạng chảy máu.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, không tiêu máu đỏ thêm, niêm hồng. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tiếp tại Khoa Nội tiêu hoá.
BS CKII Bồ Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tiêu hóa - cho biết xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm khoảng 20-33% các chảy máu tiêu hóa nói chung. Tuy vậy, cho dù xuất huyết tiêu hóa dưới ít gặp hơn xuất huyết tiêu hóa trên, người ta vẫn cho rằng xuất huyết tiêu hóa dưới có một tỷ lệ cao các bệnh nhân không tìm đến các nơi chăm sóc y tế, đồng thời nó là một yếu tố trong tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, nhất là ở những bệnh nhân cao tuổi. Độ tuổi trung bình thường gặp từ 63-77 tuổi.
Bình luận (0)