Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về "Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam 2021 - 2023", chiều 15-12, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết bệnh không lây nhiễm đang gây ra những gánh nặng lớn cho từng cá nhân, gia đình, cho ngành y tế, cộng đồng, xã hội. Trên thế giới, cứ 40 giây có một người bị đột quỵ và bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư.
Theo thống kê của Bộ Y tế cứ 10 người chết thì có gần 8 người do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính...
Theo các chuyên gia, tình trạng mắc bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hoá- Ảnh: Hải Thanh
"Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội"- PGS Khuê nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho biết độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Tỉ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng các ca đột quỵ. Thống kê tại các bệnh viện cho thấy tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong 1 tháng từ khi thành lập tới nay, Trung tâm tiếp nhận tới khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% (tức là 100 ca) là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi). Hiện trong trung tâm có khoảng 10 ca là bệnh nhân trẻ, có ca chỉ mới 14 tuổi. Theo bác sĩ Tôn, trường hợp đột quỵ nguy hiểm tính mạng ngay lập tức như trường hợp nghệ sĩ Chí Tài vừa qua tùy vùng não bị tổn thương có thể gây những biểu hiện khác nhau. "Hầu hết bệnh nhân đột quỵ bị ảnh hưởng chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ, nhận thức hoặc hôn mê kéo dài sau đột quỵ, một tỉ lệ tử vong trong thời gian ngắn sau cơn đột quỵ"- PGS Tôn nói.
Lễ ký kết chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ chiều 15-12 - Ảnh: Hải Thanh
Từ thực tế này, PGS Khuê cho rằng cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội. Do đó, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ rất cần thiết và quan trọng.
Với chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng phòng chống bệnh đột quỵ vừa được Bộ Y tế ký kết chiều 15-12, Bộ Y tế sẽ xây dựng trang thông tin điện tử chính thức để truyền thông về căn bệnh này, trong đó có hướng dẫn đánh giá nguy cơ đột quỵ cho cộng đồng để chủ động phòng chống bệnh. Nguồn thông tin này sẽ giúp các bác sĩ có thêm các công cụ hỗ trợ và tiết kiệm thời gian tư vấn cho bệnh nhân về phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh đột quỵ nói riêng.
Bình luận (0)