Anh Vũ Việt Thành, 32 tuổi (ở Hưng Yên) đã có 2 năm trải qua biến cố cực lớn trong cuộc đời khi phát hiện mắc bệnh Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (ung thư máu) ở tuổi 30, cũng như những bệnh nhân khác, anh rơi vào hoang mang cùng cực. Không đầu hàng số phận, anh quyết định điều trị theo hướng ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột.
52 ngày ở phòng cách ly ghép tế bào gốc giành lại sự sống, với anh đó là một "trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung được". Những tác dụng phụ hành hạ cơ thể, mà theo anh "có những giờ phút chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác".
Anh Vũ Việt Thành chia sẻ về hành trình vượt qua bạo bệnh
Thế nhưng, ở những giây phút mơ hồ nhất của sự sống và cái chết, bằng một chút nghị lực cuối cùng, một tia hy vọng mong manh, anh cũng đã vực dậy. Điều mà những ai nghe đến câu chuyện của anh đều cảm phục là bởi anh có một ý chí rất vững vàng.
Vốn yêu thể thao, anh Thành coi đường chạy như một phần không thể thiếu trong cuộc sống để nâng cao thể chất, tăng cường độ dẻo dai của cơ thể, tăng sức đề kháng và giúp anh có suy nghĩ tích cực để vượt qua những đợt truyền hóa chất. Ở phòng cách ly, chỉ cần có một chút sức lực và anh ngồi dậy vận động, đi lại trong phòng.
Trở về nhà sau chuỗi ngày ở bệnh viện, anh vẫn ấp ủ ý định quay trở lại đường chạy. Sau khi đi khám về huyết học và tim mạch cho thấy sức khỏe đảm bảo Thành bắt đầu chạy từng chặng ngắn. Thời gian đầu, chỉ chạy 300 - 500m đã thấm mệt nhưng anh vẫn kiên trì điều chỉnh dinh dưỡng và tăng dần cường độ tập.
"Tôi vừa kỷ niệm 6 tháng sau ghép tế bào gốc bằng việc chinh phục 21 km tại giải Long Bien Marathon về đích sau 2 giờ 14 phút, xếp thứ 847/3032. Sau đó, tôi lại tham gia giải chạy Full Marathon 42km. Chặng đường chạy 5 tiếng vào ban đêm cũng giống như trong phòng ghép. Sóng gió của ca bệnh đã giúp cho mình trân trọng từng giây, từng phút được sống trong cuộc đời tươi đẹp này"- anh Thành tâm sự.
Anh Thành tham gia giải chạy sau khi được điều trị ung thư máu bằng ghép tế bào gốc
Anh Thành cho biết bản thân có thể hồi phục ngoạn mục sau ca ghép đến nay là nhờ công sức rất lớn từ đội ngũ y bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, từ gia đình và từ những người thân yêu của mình, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là cuộc chiến với chính bản thân mình.
Với bệnh nhân Vũ Minh Đức (Hà Nội) thì đến nay em đã trải qua 10 năm chiến đấu với bệnh ung em nhưng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đến trường. Đức không chỉ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi mà còn say mê với võ thuật, bơi lội và được tham dự giải thi đấu võ thuật cấp quận. Đồng hành cùng Đức là mẹ - chị Trần Thị Hồng Thắm.
Mẹ Đức kể, 5 tuổi con đã trải qua những đợt truyền hóa chất dài ngày. Dù bị sốt, nôn, mệt không ngồi dậy được nhưng vẫn động viên mẹ: "Mẹ ơi, đừng khóc, con sẽ cố gắng vượt qua mẹ ạ". Sau mỗi lần ra viện về nhà nghỉ ngơi, con lại đến trường. Bất kể nắng mưa, rét buốt, nếu được về nhà con đều đi học đầy đủ.
Những bệnh nhi mắc ung thư máu hào hứng với chương trình "Câu chuyện mùa xuân"
Dù phải làm đủ công việc từ dọn nhà thuê, bán hàng, đến bán bảo hiểm, dù hoàn cảnh thiếu thốn, chị Thắm vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất con. "Trong cuộc đời mỗi người, sức khoẻ, nghị lực và niềm tin là điều không thể thiếu. Bệnh tật là điều con người không thể lựa chọn. Bởi vậy, thay vì từ chối, hãy chấp nhận, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ" - mẹ bệnh nhân Đức chia sẻ.
Những câu chuyện này được các bệnh nhân chia sẻ tại chương trình “Câu chuyện mùa xuân” do Viện Huyết học-truyền máu trung ương tổ chức, chiều 14-2. Đây là chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh nhân Ngày Ung thư thế giới 4-2 và Ngày Thế giới phòng, chống ung thư trẻ em 15-2.
PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết trung bình mỗi ngày tại viện điều trị cho khoảng 1.200-1.300 người bệnh, trong đó có trên 50% là bệnh ung thư máu. Riêng Khoa Bệnh máu trẻ em hằng ngày điều trị trên 100 bệnh nhân.
Phần lớn bệnh nhân điều trị tại khoa là ung thư máu cấp tính. Số lượng bệnh nhân ở trẻ có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là do việc chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư đã tốt hơn và hiện có nhiều kỹ thuật mới để phát hiện bệnh sớm. Mặt khác, yếu tố môi trường cũng có thể tác động đến tỉ lệ ung thư trong cộng đồng.
Bệnh nhân ung thư máu được tiếp thêm nghị lực từ những câu chuyện giúp lan tỏa những suy nghĩ lạc quan
"Trong quá trình đồng hành cùng người bệnh, chúng tôi thấu hiểu những giờ phút khó khăn của người bệnh khi tiếp nhận tin bệnh, sự mệt mỏi và những cơn đau không gì có thể diễn tả hết và có cả những vất vả, gian truân của người nhà chăm sóc. Chương trình hôm nay được tổ chức nhằm cập nhật một số thông tin trong điều trị và góp phần chia sẻ, nâng đỡ tinh thần người bệnh, người nhà người bệnh có thêm sự vững vàng, lạc quan, yên tâm điều trị”- PGS Thanh nói.
Theo PSG Thanh, với nhiều loại ung thư nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỉ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn. Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, chăm tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống khoa học.
Trong khuôn khổ chương trình, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã biên soạn, phát hành ấn phẩm "Còn mãi yêu thương" tặng người bệnh. Nội dung ấn phẩm là những câu chuyện, chia sẻ của người bệnh ung thư với mong muốn lan tỏa những suy nghĩ lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống và tin tưởng vào hiệu quả điều trị cho người đang chiến đấu với bệnh ung thư máu, đồng thời khẳng định: "Ung thư không phải là dấu chấm hết".
Bình luận (0)