The Straits Times ngày 11-12 đưa tin cô bé 13 tuổi, chỉ được xác định là Alyssa, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính vào năm 2021.
Phương pháp điều trị thông thường, bao gồm hóa trị và cấy ghép tủy xương, không hiệu quả đối với Alyssa.
Cô bé Alyssa. Ảnh: GOSH
Cô bé đã đăng ký chương trình điều trị lâm sàng tại bệnh viện nhi GOSH, thủ đô London - Anh, trong đó sử dụng các tế bào miễn dịch biến đổi gen từ một tình nguyện viên khỏe mạnh.
Sau 28 ngày, bệnh tình của Alyssa thuyên giảm. Cô bé được cấy ghép tủy xương lần thứ hai để khôi phục hệ thống miễn dịch.
Sáu tháng sau, Alyssa "khỏe mạnh" khi trở về nhà ở Leicester, miền Trung nước Anh và được theo dõi.
"Nếu không có phương pháp điều trị thử nghiệm này, lựa chọn duy nhất của Alyssa là chăm sóc giảm nhẹ" - bệnh viện GOSH tuyên bố.
Bác sĩ Robert Chiesa, chuyên gia tư vấn của GOSH, ca ngợi sự chuyển biến tích cực của Alyssa là "khá đáng chú ý" mặc dù kết quả vẫn cần được theo dõi và xác nhận trong vài tháng tới.
Bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL) là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh ảnh hưởng đến các tế bào trong hệ thống miễn dịch gọi là tế bào B và tế bào T, giúp chống lại và bảo vệ cơ thể chống lại virus.
Theo bệnh viện GOSH, Alyssa là bệnh nhân đầu tiên được cung cấp tế bào T đã chỉnh sửa cơ bản.
Các nhà nghiên cứu tại GOSH và Trường ĐH London đã giúp phát triển các tế bào T đã chỉnh sửa để điều trị bệnh bạch cầu tế bào B vào năm 2015.
Nhưng để điều trị một số loại bệnh bạch cầu khác, nhóm nghiên cứu phải vượt qua thách thức là các tế bào T được dùng để nhận biết và tấn công tế bào ung thư lại tiêu diệt lẫn nhau.
Bình luận (0)