Chị Đinh Thị Ngọc, 42 tuổi, ở Nghệ An, đang điều trị áp xe thận tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết khi đi khám bệnh, bác sĩ chỉ định phải nhập viện điều trị gấp. Vì chưa chuyển được thẻ BHYT nên điều trị chưa đầy một tuần, chị đã phải trả 10 triệu đồng viện phí. “Mấy ngày nay, cả nhà đôn đáo xin chuyển bảo hiểm của tôi về BV để đỡ được phần nào khoản viện phí trong những ngày tới nhưng chẳng biết có được không”- chị Ngọc lo lắng.
Chật vật cùng chi trả
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Hà, 27 tuổi, ở Hà Tĩnh, bị suy thận độ 4, ngẩn người khi nhẩm tính ra khoản cùng chi trả mà chị phải trả khi thực hiện viện phí mới sau 6 lần chạy thận nhân tạo kể từ lúc nhập viện. Chị Hà cho biết dù có thẻ BHYT thuộc đối tượng cận nghèo nhưng lúc nhập viện, gia đình chị Hà đã phải nộp trước cho BV 5 triệu đồng. “Số tiền này chắc là sẽ được trừ dần vào khoản 20% cùng chi trả cho quá trình điều trị của tôi ở đây. Nhưng có lẽ cũng chẳng được bao nhiêu vì ngoài chạy thận, còn tiền thuốc và nhiều thứ khác nữa” - chị Hà nói.
Một chuyên gia y tế cho rằng khi mức viện phí tăng lên bao nhiêu lần thì mức cùng chi trả của người dân cũng tăng theo. Dù có tính toán kiểu gì đi chăng nữa thì tăng viện phí cũng thêm gánh nặng cho người bệnh, kể cả bệnh nhân có BHYT. Quyết định điều chỉnh 447 giá dịch vụ y tế với mức tăng trung bình từ 2 đến 4 lần và một vài dịch vụ tăng hơn 6 lần thì người không có thẻ BHYT, đặc biệt là người nghèo, sẽ phải đóng một khoản tiền rất lớn.
Huy động nguồn Quỹ 139
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng để người nghèo nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Quỹ 139, các địa phương nên sớm có phương án hỗ trợ. Có thể là hình thức BV miễn giảm trực tiếp khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị, sau đó BV thanh toán lại với Quỹ 139, nơi bệnh nhân sinh sống hoặc ước lượng số tiền mà người bệnh phải chi trả cho đợt điều trị, từ đó xác nhận để người bệnh có cơ sở tạm ứng trước với quỹ một khoản tiền nào đó. Phương án cuối cùng là người bệnh phải tự nộp tiền, sau đó cầm chứng từ thanh toán với địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ.
Hơn một nửa chi phí y tế do người dân trả Ngày 16-4, tại hội thảo về tăng cường hệ thống y tế và tài chính ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay, hơn 50% chi phí chăm sóc sức khỏe vẫn do người dân tự chi trả, mức chi này đang cao hơn nhiều nước trong khu vực. “Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi tiêu công cho y tế trong tổng chi y tế (ngân sách Nhà nước thu qua thuế, BHYT và nguồn viện trợ) phải đạt tối thiểu 50%, tuy nhiên ở Việt Nam, tỉlệ này mới đạt 43,2%. Mức chi tiêu tư cho y tế vẫn còn cao đã ảnh hưởng đến mục tiêu công bằng trong y tế, điều này thể hiện cơ cấu tài chính còn nhiều bất cập” - bà Tiến nhận định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tượng “bao cấp ngược” - các bệnh viện tuyến trên nhận được nhiều kinh phí hơn bệnh viện tuyến dưới - đã khiến người nghèo ít có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tuyến trên so với người giàu. |
Kỳ tới: Tái lập quỹ hỗ trợ người nghèo
Bình luận (0)