Theo BHXH Việt Nam, ngoài Bắc Ninh là địa phương đầu tiên thực hiện viện phí mới bằng khoảng 85% khung giá, nhiều địa phương khác cũng đang muốn thu viện phí ở mức gần như “kịch trần”.
Muốn thu “kịch trần”
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Trong khi các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng chỉ đề xuất thu trên 70% khung viện phí thì nhiều tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Hòa Bình, Long An, Cao Bằng, Đồng Tháp, Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lai Châu, Ninh Thuận, Lào Cai, Đắk Lắk, Sóc Trăng lại đề xuất thu từ 90% - 100% khung viện phí. “Theo quy định mức giá “kịch trần” này chỉ được áp dụng đối với 4 bệnh viện tuyến Trung ương là Bạch Mai, 108, Chợ Rẫy và Trung ương Huế” - ông Thảo cho biết.
Tăng viện phí là tăng thêm gánh nặng cho người bệnh
Ông Thảo dẫn chứng một số địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như Lào Cai, Sóc Trăng…, việc đề xuất được thu viện phí ở mức cao nhất là vô lý. Có thể những địa phương này không xây dựng cơ cấu giá hoặc là trình cơ cấu giá “ảo” không dựa trên những tính toán cụ thể.
Nguyên nhân đề xuất mức giá vô lý này được một số địa phương lý giải là do giá đấu thầu vật tư y tế cao, như Lào Cai giá đấu thầu cao hơn các tỉnh khác 1,5 lần (!?). Ngoài ra, một số địa phương khác quan niệm rằng tỉnh miền núi khó khăn, quỹ bảo hiểm thường xuyên kết dư nên xây dựng dịch vụ y tế cao để tăng nguồn thu cho cơ sở y tế!
Chỉ thu 70% là đủ
Với điều kiện về trang thiết bị y tế, nhân lực và cơ sở hạ tầng như các địa phương hiện nay, ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng các cơ sở y tế tuyến tỉnh chỉ nên áp dụng mức viện phí khoảng 70% khung giá. “Theo quy định, một phòng bệnh 18 m2 chỉ được kê 4 giường, có điều hòa... Còn với mỗi phòng khám bệnh chỉ khám 35 bệnh nhân/bàn/ngày.
Hiện nay ở nhiều nơi, phòng bệnh còn không đáp ứng được các yêu cầu trên, đó là chưa nói tới tình trạng quá tải, mỗi phòng bệnh kê tới 2 bàn khám, mỗi bàn khám đến 50 bệnh nhân/ngày thì không thể đề xuất mức phí “kịch trần” được”- ông Thảo khẳng định.
Theo Bộ Y tế, chính sách viện phí mới được thực hiện sẽ tác động tới người bệnh, nhất là gần 40% người dân còn chưa có thẻ BHYT. Mặc dù khung viện phí mới này chỉ điều chỉnh 447 dịch vụ y tế, chiếm khoảng 15% trong tổng số 3.000 dịch vụ y tế nhưng phần lớn lại rơi vào nhóm dịch vụ thường dùng nhất.
Với 181 dịch vụ có mức tăng giá dưới 5 lần so với giá hiện hành, 94 dịch vụ tăng giá từ 5 lần trở lên, trong đó một số tăng giá 10 lần như tiền khám, giường bệnh điều trị, một số ít dịch vụ tăng tới 14 lần chắc chắn sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với 6 triệu người cận nghèo còn chưa có thẻ BHYT.
Ngay cả với những người đã có thẻ BHYT nhưng thuộc diện phải cùng chi trả 5% - 20% như người nghèo, người cận nghèo, người lao động… thì với viện phí mới tăng 5 - 10 lần so với giá hiện hành chắc chắn sẽ khiến người dân khó chi trả hơn, và gánh nặng tài chính chữa bệnh lại đè nặng vai người dân nghèo.
Tăng rất cao ở dịch vụ thường dùng
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), trong cơ cấu viện phí mới mà các địa phương đề xuất thì giá giường và giá khám chữa bệnh hầu như được đề xuất thu gần như ở mức tối đa của khung, thậm chí Sóc Trăng còn muốn vượt cả trần của khung giá tiền giường bệnh.
Không những thế, có địa phương còn rất “khôn” khi đề xuất mức giá chung thấp nhưng lại đề xuất tiền khám 100% và tiền giường tới 99% của khung, trong khi đây là những dịch vụ mà hầu ai đến bệnh viện cũng phải trả! |
Bình luận (0)