Tại hội nghị, thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt, Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, cho biết khi dịch Covid-19 xảy ra, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi mua thuốc và gặp dược sĩ để được tư vấn, hướng dẫn. Đặc biệt, nhu cầu cần được tư vấn hướng dẫn sử dụng các thuốc trong túi thuốc F0 dành cho người mắc bệnh Covid-19 là rất lớn nhưng chưa đủ nhân lực để thực hiện việc này. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số như hệ thống tư vấn từ xa, giao thuốc tận nơi... rất quan trọng.
Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt, Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, báo cáo tại hội nghị
Ngoài ra, theo dược sĩ Đạt, nhờ chuyển đổi số mà các công ty dược phẩm đã thực hiện các nghiên cứu, quản lý hệ thống sản xuất, phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 và các loại thuốc đặc trị Covid-19 nhanh chóng.
Việc chuyển đổi số rất quan trọng, giúp dược sĩ có thể làm việc từ xa, thông qua mạng máy tính, robot... Ngay cả việc thử nghiệm lâm sàng cũng có thể thực hiện từ xa từ đó đẩy mạnh việc phát minh, sản xuất thuốc, vắc-xin bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời.
Cũng tại hội nghị, GS-TS Trần Thành Đạo, Trưởng Khoa Dược, trường ĐH Y dược TP HCM, Trưởng Ban tổ chức, cho biết thêm TP HCM đang có định hướng phát triển công nghiệp dược trong vòng 5 năm. Cùng với đó là mong muốn đưa thêm nhiều loại thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế để được đơn vị bảo hiểm chấp nhận chi trả điều trị cho người bệnh.
GS-TS Trần Thành Đạo - Trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, Trưởng Ban tổ chức hội nghị - phát biểu khai mạc
"Muốn làm được điều này phải có công nghệ đánh giá, các nhà nghiên cứu dược phải định hướng tương lai danh mục hóa của tổ chức bảo hiểm y tế với mục tiêu cuối cùng nhằm phát triển ngành dược và phục vu người dân tốt nhất" – GS Trần Thành Đạo chia sẻ.
Bình luận (0)