Cho đến cuối năm 2020, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác vẫn lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi số người mắc và tử vong không ngừng tăng cao thì nhiều tháng qua, người dân Việt Nam đã được sống trong trạng thái "bình thường mới".
Hình mẫu phòng chống Covid-19
Việt Nam trở thành điểm sáng do kiểm soát thành công dịch bệnh trên nhiều phương diện, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là những trường hợp mắc Covid-19 có liên quan đến nơi phát dịch là TP Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó là người nhập cảnh Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch.
Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7-2020 đến nay với các trường hợp mắc mới tại TP Đà Nẵng, TP HCM và một số tỉnh, thành phố. Đến ngày 31-12, Việt Nam có tổng cộng 1.465 bệnh nhân mắc Covid-19, có tỉ lệ ca mắc Covid-19 trên 1 triệu dân thuộc loại thấp nhất thế giới. Trong khi thế giới ghi nhận gần 82,5 triệu người mắc, gần 1,8 triệu người tử vong vì dịch Covid-19.
Từ khi xuất hiện đến nay, các ổ dịch đều đã nhanh chóng được chặn đứng bởi chiến lược phòng chống dịch vô cùng hiệu quả "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị". Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các lực lượng quân đội, công an, y tế liên minh hình thành các khu cách ly tập trung, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", bảo đảm phát hiện kịp thời các ca bệnh, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. Chính phủ đã chấp nhận thiệt hại một phần về kinh tế để đổi lấy an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng chống dịch Covid-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sớm, chủ động và có hiệu quả. Toàn bộ các bệnh nhân trong giai đoạn 1 và 2 của dịch đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Việt Nam đã điều trị thành công những ca bệnh "siêu khó", trong đó phải kể đến bệnh nhân số 91- nam phi công người Anh - từng được tiên lượng khả năng sống chỉ có 10%. Bệnh nhân 91 đã trải qua số ngày điều trị kỷ lục lên tới 116 ngày tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các chuyên gia đánh giá bệnh nhân 91 là một ca bệnh rất đặc biệt, mắc Covid-19 với diễn biến trở nặng rất nhanh và phức tạp, chưa từng có trong y văn thế giới. Ngay sau khi bệnh nhân 91 xuất viện và lên máy bay về nước vào ngày 11-7, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đưa tin về sự kiện này và coi đây là một "biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam".
Kỳ vọng vắc-xin Covid-19 Việt Nam
Không chỉ đạt những dấu ấn trong điều trị, Việt Nam còn là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và "chạy đua với thời gian" nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19. Ngày 17-12 vừa qua, Việt Nam chính thức thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 Nano Covax trên người.
Đây cũng là vắc-xin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ sớm được đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu thành công, đây sẽ là "vũ khí" quan trọng để ứng phó đại dịch Covid-19. Hiện sức khỏe của gần 40 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin đều bình thường.
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, gây ra những hệ lụy không nhỏ. Tuy vậy, trong đời sống xã hội, nhiều hoạt động, thói quen đã được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.
"Người dân đã có thói quen đeo khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người và cũng thường xuyên rửa tay hơn. Chúng ta luôn hỏi "Dịch bao giờ kết thúc?" nhưng các chuyên gia cho rằng ít nhất phải gần 2 năm nữa. Chờ tới khi có vắc-xin thì trước tiên chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng" - PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi và động viên tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin Covid-19 (Ảnh: HẢI ANH)
Ngồi ở nhà vẫn được bác sĩ khám bệnh
Không chỉ thay đổi thói quen trong cuộc sống hằng ngày, thói quen khám chữa bệnh của người dân cũng đã có sự thay đổi kể từ khi Bộ Y tế triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa. Đề án này đã giúp các cơ sở y tế tuyến dưới và người dân vùng sâu, vùng xa có được cơ hội mới trong khám chữa bệnh, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.
Bên cạnh đó, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, thậm chí ngồi ở nhà, nằm điều trị ở bệnh viện tuyến xã, tuyến huyện vẫn được các bác sĩ, giáo sư đầu ngành ở tuyến trung ương tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hệ thống Telehealth (tư vấn khám chữa bệnh từ xa) giúp điều trị hiệu quả cho người bệnh mà vẫn bảo đảm giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; giảm chi phí đi lại, giảm quá tải tuyến trên, tăng năng lực tuyến dưới.
Tính đến cuối năm 2020, hơn 1.500 cơ sở y tế đã được kết nối. Đề án mở ra một giai đoạn mới trong chẩn đoán và điều trị, với 2 mục tiêu là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục, mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hệ thống Telehealth được triển khai không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn mang lại hiệu quả tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đem lại sự tin tưởng từ phía người dân.
Đột phá về chuyển đổi số
2020 cũng là năm đánh dấu một sự chuyển mình khác của ngành y tế trong việc khám chữa bệnh bằng việc thực hiện những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh.
Bộ Y tế được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia khi là một trong 2 bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán Covid-19, đồng thời đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch Covid-19 như: tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19...
Bên cạnh các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh, công tác phòng chống dịch bằng công nghệ 4.0 còn được triển khai thông qua các nền tảng trực tuyến như dạy học, họp hành trực tuyến, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử...
Bộ Y tế cũng đã khai trương Cổng công khai y tế với việc lần đầu tiên công khai các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị - vật tư y tế, minh bạch giá dịch vụ y tế... Từ ngày 1-1-2021, mạng y tế cơ sở - V20, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở kết nối gần 11.000 trạm y tế xã sẽ chính thức hoạt động; 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và BHXH xây dựng để chuẩn bị cho việc khám chữa bệnh không giấy, bệnh án điện tử ngoại trú từ tháng 7-2021. Với sự thay đổi này, trong tương lai gần người dân có thể kỳ vọng vào việc được quản lý sức khỏe một cách bài bản, bền vững và mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dù chuyển đổi số không còn là điều xa vời nhưng ngành y tế không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới mục tiêu chính quan trọng nhất là phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Nhiều ca phẫu thuật "đỉnh"
2020 cũng là năm ngành y tế đạt được những thành tựu xuất sắc trong nhiều mảng, như: Cuộc phẫu thuật mổ tách rời cặp song sinh dính nhau vùng bụng chậu thể hiếm Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM); Bệnh viện Việt Đức lập kỷ lục khi thực hiện 23 ca ghép tạng thành công (gồm 3 ca ghép tim, 4 ca ghép gan, 16 ca ghép thận); lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103; ca ghép đa tạng đa trung tâm với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện cùng lúc.
Bình luận (0)