CLIP: Nỗi niềm xóm chạy thận ở Quảng Bình ngày...giáp Tết - (PV Hoàng Phúc - Báo Người Lao Động) thực hiện
Họ là những cư dân ở xóm chạy thận sống trong dãy phòng trọ miễn phí ẩn khuất phía sau Bệnh viện khu vực Đa khoa Bắc Quảng Bình (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) - mà người dân quen gọi là "xóm cô đơn".
Nỗi niềm ngày giáp Tết
Những ngày này, khi người dân tấp nập đi sắm Tết, thì "xóm chạy thận" vẫn bao trùm không khí hắt hiu, ảm đạm. Ở ngay giữa lòng thị xã Ba Đồn, đến ngày Tết, với những cư dân "xóm thận" giấc mơ sum vầy bên gia đình tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại không thể.
Nhà ông Đặng Văn Bình (75 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) chỉ cách Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình chừng 20km, dù không xa lắm, nhưng vợ chồng ông không thể về quê để cùng gia đình đón một cái Tết đoàn viên như bao người khác.
Ông Đặng Văn Bình đã gia nhập cư dân "xóm chạy thận" ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình gần được 2 năm nay
Năm năm trước, bạo bệnh ập đến, ông Bình bị suy thận mức độ 3 và phải chạy thận. Sau hơn 3 năm thường xuyên chữa trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Cuối năm 2019, ông chuyển hẳn về Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình để chạy thận tại đây. Kể từ đó, ông "gia nhập" xóm chạy thận và sống chung với căn bệnh này.
Khu dạy trọ miễn phí cho những bệnh nhân chạy thận phía sau Bệnh viện khu vực Đa khoa Bắc Quảng Bình
Cứ hai ngày một, ông Bình lại đều đặn đến bệnh viện để chạy thận, rồi quay trở về khu trọ. Thấm thoát đã được hơn 4 năm nay và đây là cái Tết thứ 4 ông phải xa gia đình, người thân. Cuộc sống cứ ngày trôi qua, gánh nặng tiền bạc đè lên đôi vợ chồng đã ngoài 70, nhưng với ông có lẽ buồn hơn là đến ngày Tết cũng không thể vui vầy với con cháu, xóm giềng.
"Nhà có vài sào ruộng, quanh năm quần quật với đồng áng chỉ đủ lo cho con cái ăn học. Đến tuổi già yếu thì phát hiện bệnh, vợ tui phải liên tục đến chăm. Gia cảnh khó khăn, thân lại mang trọng bệnh, mọi chi phí ăn uống chắt chiu, nhờ vả con cái. Nhiều lúc nghĩ đã thành gánh nặng cho vợ con" - ông Bình buồn tủi.
Bà Nguyễn Thị Lệ trầm tư mỗi khi nhắc câu chuyện về Tết
Cùng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Lệ (56 tuổi, ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa) - hoàn cảnh bà Lệ rất bi đát, ngặt nghèo. Năm 2018, bà không may bị tai biến để lại nhiều di chứng trên cơ thể, một năm sau đó bà lại bị phát hiện mắc bệnh suy thận. Khi nói chuyện, miệng bà bị méo sang một bên nói không còn rõ lời.
"Nhà tui cách đây hơn 70km. Tết năm ni không dám về nhà, phần vì bệnh thận cứ 2 ngày lại chạy chữa 1 lần, phần vì bệnh tai biến đi lại vất vả, tốn kém. Giờ cố về 1 ngày lại tất bật xuống viện nên phải ăn Tết tại đây…" - bà Lệ chậm rãi nói.
Họ chẳng… mong Tết
Những cư dân xóm chạy thận đa phần có gia cảnh nghèo khó, éo le, một thân một mình chống chọi với bệnh tật. Với bà Trần Thị Điểm (65 tuổi, ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) thì ngày tết dường như không có nhiều ý nghĩa, có khác chăng là không có cơm bệnh viện, một mình bà phải tự nấu những bữa ăn vội sau giờ chạy thận.
Những cư dân "xóm cô đơn" chẳng mong ngày Tết
Gắn bó với phòng trọ này đã 2 năm, quen với cuộc sống một mình chiến đấu với bệnh tật, bà Điểm dần quen với cuộc sống ở "xóm cô đơn". Những ngày giáp Tết, bà Điểm vẫn phải bám lấy xóm trọ, vẫn hàng ngày đều đặn chạy thận để duy trì sự sống của mình.
"Cũng buồn lắm, nhưng phải cố mà vượt qua, giờ ni người ta ăn tết rồi, mà mình vẫn nằm ở bệnh viện. Trước kia chưa bệnh tật ốm đau thì giờ ni bắt đầu sắm sửa tết, gói bánh cả nhà quây quần vui lắm… Nhưng giờ, tui chẳng mong Tết nữa" - bà Điểm gạt nước mắt.
Khuôn mặt tái nhợt, xanh xao của bà Trần Thị Điểm sau khi phát hiện mắc bệnh thận
Ở xóm chạy thận, mỗi người mỗi hoàn cảnh, chẳng biết từ bao giờ 9 bệnh nhân và người nhà "rủ nhau" chung sống, quây quần và đùm bọc như một đại gia đình. Và giờ đây, họ tật bệnh giống nhau, giống nhau cả ánh mắt buồn mỗi khi nhớ gia đình, khi tự xót xa cho số phận của chính mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Viết Thái - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình - cho biết những bệnh nhân đang chạy thận hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì thấy họ xa gia đình, đi lại vất vả, tốn kém tiền thuê trọ, bệnh viện đã trưng dụng khu nhà phía sau, huy động số tiền 200 triệu đồng để cải tạo lại các phòng để giúp bệnh nhân có nơi tá túc, nghỉ ngơi, sinh hoạt miễn phí sau quá trình điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thái - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình
"Họ là những bệnh nhân nghèo đồng cảnh ngộ. Bệnh viện luôn quan tâm đặc biệt đến những trường hợp này và làm hết sức mình để mong họ có nơi ăn, chốn ở ổn định để chống chọi với bệnh tật. Mong rằng sắp tới có nhiều nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để họ có thêm chi phí giảm bớt gánh nặng, lo toan trong cuộc sống" - bác sĩ Thái tâm sự.
Bình luận (0)