xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghi mắc dị vật, cần đi khám

ANH THƯ

Nhiều dị vật đường thở, đường tiêu hóa có thể gây tổn thương trầm trọng hoặc “trôi” vào những vị trí hiểm hóc hơn nếu không được xử lý sớm

Đưa con đi tái khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), chị Ng.T.N.A (29 tuổi) than thở với các bà mẹ khác ở hàng ghế chờ: “Tháng qua, tôi phải theo thằng bé nhập viện rồi đi tái khám không biết bao nhiêu lần. Ngờ đâu, một món đồ chơi lại gây tai hại đến thế”.

Nhiễm trùng vì viên pin

Trước đó, con trai 3 tuổi của chị A. đã trải qua một đợt viêm đường hô hấp kéo dài. Chị đã ra nhà thuốc gần nhà mua đủ loại thuốc cho bé uống mà không khỏi. Mãi đến khi cậu bé nóng sốt, lờ đờ, chảy mủ nhiều từ mũi, chị mới hốt hoảng đưa con tới BV.

Qua những phương tiện chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ (BS) của BV Nhi Đồng 1 xác định con trai chị A. không phải viêm mũi thông thường mà có dị vật trong hốc mũi. Các BS đã lấy ra một viên pin nút đã phân hủy và gây nhiễm trùng trong mũi cậu bé.

Mới đây, trường hợp một nữ bệnh nhân nuốt phải… mũi khoan nha khoa khi đi làm răng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bệnh nhân nhập viện khá sớm sau đó và mũi khoan từ dạ dày chị đã được các BS Khoa Tiêu hóa BV An Bình (TP HCM) lấy ra. Trước đó, dù hơi nghi ngờ đã nuốt phải vật gì đó lúc làm răng nhưng chị vẫn chần chừ chưa đến ngay BV. Cũng may, khi gọi điện cho một người bạn là BS, chị được ông khuyên phải đến BV kiểm tra ngay.

BS Nguyễn Hữu Tiếng, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa BV An Bình, cho biết khi nữ bệnh nhân nhập viện, mũi khoan đã gây ra nhiều vết thương trong dạ dày. Nếu chị không đến BV sớm, dị vật nhọn hoắt này có thể di chuyển tiếp đến ruột non. Hậu quả xấu nhất là nó sẽ gây thủng ruột, có thể nguy đến tính mạng.

Theo BS Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhân dân 115 (TP HCM), ông từng gặp những bệnh nhân chịu đựng cơn ho dai dẳng suốt nhiều ngày và cố tìm các cách trị ho thông thường nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, khi bệnh trở nặng, họ mới đến BV và phát hiện có dị vật đường thở.

“Thường là dị vật kẹt trong phế quản. Trong đó, thứ chúng tôi gặp nhiều nhất là hạt na (mãng cầu)” - BS Long cho biết. Tuy không đủ sức chèn ép toàn bộ đường thở của bệnh nhân nhưng chúng có thể gây viêm tại chỗ, để lâu sẽ dẫn đến hậu quả xấu,nhất là hoại tử phế quản. Dị vật cũng có thể gây tổn thương động mạch khi di chuyển trong cơ thể bệnh nhân.

Nếu nghi ngờ trẻ nuốt hay nhét dị vật vào mũi, tai…, tốt nhất hãy đưa đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Trong ảnh: Khám tai mũi họng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nếu nghi ngờ trẻ nuốt hay nhét dị vật vào mũi, tai…, tốt nhất hãy đưa đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Trong ảnh: Khám tai mũi họng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người già và trẻ em dễ sặc

Dị vật khi đi vào cơ thể thường gây đau đớn, nhất là khi còn ở vùng mũi, họng. Cơn đau thường giảm dần khi chúng đi xuống những cơ quan khác bên dưới. Tuy nhiên, cơn đau giảm không có nghĩa là nguy hiểm giảm mà có khi còn tăng lên.

Theo BS Vũ Hải Long, những ai nghi ngờ mình mắc dị vật thì cần đi khám ngay. Cơn đau, khó chịu do dị vật có thể không rõ ràng ở những người có cơ địa không nhạy cảm lắm khiến họ quên bẵng. Dị vật bỏ quên cũng có thể gặp ở trẻ em. Nhiều trường hợp trẻ “chơi dại”, nhét đồ chơi, vật dụng vào mũi hay nuốt phải mảnh đồ chơi mà cha mẹ không hề biết.

Thế nhưng, không phải không có cách đề phòng biến chứng do dị vật. Ở người lớn, một cơn đau, cảm giác bị nghẹt trong mũi, họng… là dấu hiệu cần đi khám. Với trẻ em, nên lưu ý khi chúng than đau họng, ho nhiều… Một dấu hiệu nữa có thể nghi ngờ trẻ đã nhét vật gì đó trong mũi là bé bị nghẹt mũi một bên, chảy mũi nhiều, thậm chí chảy mủ, máu. Khi đó, phải nhanh chóng đưa trẻ đến BV để được kiểm tra và xử lý.

BS Long cũng lưu ý 2 đối tượng dễ gặp rắc rối nhất với dị vật do sặc khi ăn là người già và trẻ em. Ở người già, các cơ vận động vùng họng đã bị yếu dần theo tuổi tác, dẫn đến tình trạng này. Còn ở trẻ em, chúng thường mất tập trung khi ăn, dẫn đến sự rối loạn đồng vận các cơ nuốt. Vì thế, nên tập cho trẻ thói quen ăn uống tại bàn, tập trung khi ăn, tránh việc vừa ăn vừa chơi.

Đừng cố khạc hay nuốt dị vật

BS Nguyễn Hữu Tiếng cho biết khi mắc dị vật, người ta thường cố khạc ra hay nuốt chuối, cơm vào để đẩy xuống bụng song 2 cách này đều không ổn. Lý do là khi dị vật đi qua khỏi cơ vòng thực quản, động tác khạc sẽ không hiệu quả, ngược lại còn có thể khiến chúng đâm sâu hơn vào vị trí mắc kẹt. Cố nuốt dị vật lại càng nguy vì khi chúng đi sâu hơn vào đường tiêu hóa như dạ dày, ruột…, không những không có cách gì thoát ra mà còn có thể gây các tổn thương nguy hiểm hơn. Dị vật ở càng sâu, việc lấy ra càng phức tạp. Nếu đến BV sớm, dị vật chưa rơi vào quá sâu, chưa gây tổn thương nghiêm trọng thì thường BS có thể lấy ra sau một thủ thuật đơn giản.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo