Dính thắng lưỡi
4 mức độ dính thắng lưỡi
Dây thắng lưỡi là lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi, được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi và bình thường dài khoảng 16 mm. Nếu độ dài thắng lưỡi trong khoảng 12-16 mm là dính thắng lưỡi nhẹ (độ 1), từ 8-11 mm là dính thắng lưỡi trung bình (độ 2), từ 3-7 mm là dính thắng lưỡi nặng (độ 3) và thắng lưỡi dài dưới 3 mm là dính thắng lưỡi hoàn toàn (độ 4).
Tật dính thắng lưỡi khá phổ biến, gặp ở khoảng 4%-5% trẻ sơ sinh, thường gặp ở trẻ nam với tần suất gấp 3 lần ở nữ. Trẻ bị dính thắng lưỡi có thể do bẩm sinh nhưng cũng có giả thuyết cho rằng do di truyền.
Nhận biết dính thắng lưỡi không khó
Trẻ có thể được phát hiện bị dính thắng lưỡi khi được khám ngay sau khi sinh hay khi khám sức khoẻ tổng quát định kỳ. Bác sĩ sẽ nâng dây thắng lưỡi lên để xem xét mức độ dính, độ dày và hình dạng của dây thắng lưỡi khi trẻ khóc.
Tại nhà, nếu cha mẹ quan tâm cũng có thể phát hiện con bị dính thắng lưỡi khi thấy:
- Cử động lưỡi sang hai bên bị hạn chế hoặc đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên nóc khẩu cái vì thắng lưỡi ngắn.
- Khi trẻ thè lưỡi, đầu lưỡi không nhọn mà có vẻ phẳng hay vuông.
- Đầu lưỡi của trẻ có thể có hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.
- Khi trẻ bú, mẹ có thể nghe thấy có tiếng kêu và trẻ thường bú rất lâu.
- Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa hàm dưới.
Đầu lưỡi không nhọn mà có vẻ phẳng hay vuông do dính thắng lưỡi
Ảnh hưởng đến cả việc ăn uống và thẩm mỹ
Dính thắng lưỡi không chỉ khiến cho trẻ gặp khó khăn trong phát âm, giọng nói bị ngọng nghịu mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng khác như:
- Gây khó khăn trong việc ăn uống, khi nuốt lưỡi co lại khó khăn, trẻ bú khó, làm biếng ăn và sẽ chậm lên cân.
- Mất thẩm mỹ hàm răng vì các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa giữa dưới.
Dính dây thắng lưỡi thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt dây thắng lưỡi. Cần lưu ý là, những trường hợp dính thắng lưỡi gây trở ngại cho việc phát âm của trẻ cần được bác sĩ răng hàm mặt và chuyên viên phát âm đánh giá trước khi phẫu thuật, vì ngoài nguyên nhân dính thắng lưỡi còn có những nguyên nhân khác làm trẻ phát âm không rõ.
Trong thực tế, có nhiều người nghĩ rằng trẻ dính dây thắng lưỡi, có thắng lưỡi ngắn tất nhiên sẽ chậm nói; nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm vì dính thắng lưỡi chỉ là một trong những nguyên nhân có thể gây trở ngại cho việc phát âm, trẻ chậm nói có thể do điếc bẩm sinh hoặc do tổn thương thần kinh...
Và một nguyên nhân cũng rất quan trọng là do trẻ ít được cha mẹ quan tâm, ít dành thời gian chơi với trẻ, nói chuyện với trẻ nên trẻ khó có cơ may phát triển ngôn ngữ.
Bình luận (0)