Tại cuộc giao lưu “Ngành y nỗ lực làm hài lòng bệnh nhân”, các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM và đại diện một số bệnh viện (BV) lớn đã trả lời các ý kiến của người dân về những gì họ đã trải qua hoặc trực tiếp chứng kiến tại các BV.
Cải thiện thái độ phục vụ
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chọn thời điểm này để đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế có rất nhiều ý nghĩa. Nó diễn ra đồng thời với đổi mới về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đổi mới về cơ chế tài chính, tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ các dịch vụ y tế gắn với BHYT toàn dân. Điều này cho thấy người dân có quyền đòi hỏi chất lượng phục vụ tốt hơn, thái độ, phong cách phục vụ tốt hơn.
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TP HCM, quan niệm rằng bệnh nhân là trung tâm, việc nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh là mục tiêu cấp thiết của đợt đổi mới này. Theo yêu cầu đó, TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo do phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng ngay tại các BV; thực hiện đường dây nóng theo Chỉ thị 09 của Bộ Y tế; duy trì và củng cố hòm thư góp ý; triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh trong BV”; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; tổ chức ký cam kết thực hiện các nội dung về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế với BV và giữa BV với Sở Y tế cũng như giữa Sở Y tế với Bộ Y tế...
Thái độ phục vụ người bệnh vẫn là vấn đề được lãnh đạo các BV tập trung cải thiện. Qua câu hỏi của một độc giả về tình huống y - BS gặp khó khăn khi bệnh nhân và thân nhân nổi nóng tại khoa cấp cứu vì lo lắng, đau đớn, PGS-TS-BS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương, chia sẻ: “Tình huống này chúng tôi cũng thường gặp. Chúng tôi thông cảm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến khám bệnh, đặc biệt là trong trường hợp cấp cứu. Trong hoàn cảnh này, người thầy thuốc vẫn phải bình tĩnh để xử lý về mặt chuyên môn, đồng thời giải thích cho người bệnh và người thân yên tâm, tin tưởng và hợp tác với thầy thuốc”. Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy (TP HCM), bên cạnh công tác tổ chức và giáo dục đội ngũ nhân viên y tế về cuộc vận động lớn của Bộ Y tế, BV này đã tăng cường các băng ghế ngồi, bảng hướng dẫn, tạo điều kiện kết nối thông tin (internet) trong khuôn viên BV để bệnh nhân và người nhà cảm thấy tiện lợi, thoải mái hơn khi đến khám chữa bệnh.
Tập trung giảm tải
Từ nhiều câu hỏi của bạn đọc, các chuyên gia đồng tình rằng tình trạng quá tải BV là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến người dân và cả nhân viên y tế cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, giảm tải vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các BV trên hành trình hướng đến bệnh nhân.
“Để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay, BV đã khánh thành và đưa vào hoạt động thêm cơ sở tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội gồm 2 khu nhà 5 tầng và 9 tầng cùng các công trình phụ trợ, dịch vụ đầy đủ tiện nghi với hơn 800 giường bệnh, góp phần làm giảm tình trạng quá tải tại cơ sở Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội). Cơ sở Tứ Hiệp có 15 phòng khám bệnh chuyên khoa, 2 bàn khám ngoài giờ và 3 phòng khám theo yêu cầu” - PGS Lương cho biết.
Theo ThS Hiển, tại BV Chợ Rẫy, ngoài khu phòng khám mới sắp được khánh thành và dự án BV Chợ Rẫy 2, BV này còn quyết liệt triển khai BV vệ tinh tại các BV: 30-4, Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bình Tân, Thủ Đức…; bổ sung nhiều chuyên khoa ở các BV này để giải quyết tình trạng nằm ghép. Khi xảy ra quá tải cục bộ ở cơ sở chính, việc điều tiết giường giữa các khoa cũng được thực hiện để bệnh nhân không phải nằm ghép. BV cũng đang triển khai đưa công nghệ thông tin vào quản lý ở tất cả các khoa, phòng thay vì chỉ ở khoa khám bệnh như trước; đầu tư các thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… để rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
“Chúng tôi cũng muốn lưu ý người bệnh rằng BV Chợ Rẫy vẫn rơi vào tình trạng “quá tải ảo” ở một số thời điểm, nhất là lúc 5-6 giờ sáng, do thói quen của nhiều người muốn đến sớm để xếp hàng, trong khi các thời điểm khác như cuối giờ sáng và cả buổi chiều thì lượng bệnh nhân lại không đông. Để tránh việc chen lấn mệt mỏi, người dân có thể sắp xếp thời gian đến khám bệnh hợp lý hơn” - ThS Hiển phân tích.
TP HCM: 107 BV đã ký cam kết
Theo BS Nguyễn Thị Thu Hà, hiện số cơ sở y tế tham gia ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ, làm hài lòng người bệnh của TP là 93 BV, trong đó có 31 BV cấp TP, 23 BV quận - huyện, 39 BV ngoài công lập. Ngoài ra, còn có 14 BV thuộc các bộ, ngành đóng trên địa bàn TP cũng đã ký cam kết này.
Bình luận (0)