TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết người bệnh vảy nến sẽ thường gặp phải tình trạng ngứa mạn tính. Đây là điều bác sĩ da liễu quan tâm bởi người bệnh thường cào gãi da sẽ khiến viêm nặng hơn, gây ngứa và gãi nhiều hơn, dẫn đến vòng xoắn bệnh lý "ngứa – gãi – ngứa".
Đặc biệt, việc cào, gãi làm tổn thương da dẫn đến hình thành những mảng vảy nến mới, đó là hiện tượng Koebner. Do đó, cần điều trị hiệu quả để cắt đứt chu kỳ "ngứa – gãi – ngứa".
Để kiểm soát ngứa, bác sĩ Hào lưu ý: Tránh tắm gội bằng nước quá nóng. Nên dùng nước ấm cùng với chất rửa không chứa hương liệu; chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu. Nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa.
Bên cạnh đó, tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Cào gãi cũng gây xuất huyết da và làm nặng tình trạng vảy nến. Cắt ngắn móng tay để giảm thiểu những tổn thương do cào gãi. Không bóc, cậy các thương tổn vì giống như cào gãi, sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và làm nặng tình trạng vảy nến. Ngoài ra, tránh dùng bia rượu và cà phê.
Việc trầy sước hay những tổn thương da nhỏ do cọ sát cũng có thể làm xuất hiện vảy nến. Vì vậy, nên mặc trang phục với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.
Bình luận (0)