Trong giới hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng, cái tên Nguyễn Tuấn Khởi không còn xa lạ khi gắn với chương trình "Hành trình đỏ" kêu gọi hiến máu tình nguyện và hàng loạt chương trình giải cứu nông sản giúp nông dân, từ thiện giúp miền Trung bão lũ.
Nguyễn Tuấn Khởi - chủ nhân chiếc tủ lạnh cộng đồng Ảnh: Hoàng Triều
Năm 2021, anh ghi thêm dấu ấn với chương trình "Tủ lạnh 0 đồng", "Khách sạn 0 đồng", "Thực phẩm sẻ chia", "Bệnh viện tại nhà" và bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên theo mô hình xã hội hóa.
Quen biết với anh Khởi nhiều năm nhưng lần gặp mặt sau khi TP HCM mở cửa trở lại, tôi thấy anh khác hẳn khi mang cả vợ con đến cuộc phỏng vấn. Trước đó, dù là nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng hiếm khi anh chia sẻ chuyện cá nhân, có chăng chỉ là hình ảnh của ba mẹ già ở quê Vĩnh Long.
Cậu con trai hơn 2 tuổi được mẹ dẫn đi chơi loanh quanh, thỉnh thoảng lại chỗ ba Khởi để được nựng nịu. "Mấy tháng trời cam go chống dịch, dù ở ngay TP HCM nhưng vợ con không dám gặp nên giờ phải yêu thương bù" - anh Khởi phân trần khi cuộc phỏng vấn liên tục bị gián đoạn.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Nguyễn Tuấn Khởi đã trải qua những giây phút "thập tử nhất sinh" bởi nhiễm virus SARS-CoV-2, bất đắc dĩ phải tự điều trị nên càng trân trọng sự sống và gia đình. Ðã có lúc tưởng mình không qua khỏi, anh lần đầu công khai vợ con trên Facebook, như một lời di chúc để bạn bè biết mà lo giúp vợ con. Thời điểm ấy, một người anh thân thiết khi làm
tình nguyện là Cường béo (Vũ Quốc Cường - người được Thủ tướng truy tặng bằng khen do có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM - PV) qua đời vì Covid-19 khiến tâm lý anh bị ảnh hưởng nặng nề.
Từ F0 bất đắc dĩ điều trị tại nhà do hệ thống y tế quá tải, anh Khởi bắt tay vào lập "bệnh viện tại nhà" với sự tham gia của 180 y - bác sĩ tư vấn online. Sau 5 ngày hệ thống này vận hành, Bộ Y tế có quyết định chính thức cho F0 cách ly và điều trị tại nhà. Kết thúc giai đoạn cao điểm giãn cách, hệ thống ghi nhận có 19.000 F0 đã được hỗ trợ.
Trong quá trình tư vấn cho F0, nhận thấy bệnh nhân còn thiếu thuốc men, xe cấp cứu, bình ôxy, máy thở nên anh Tuấn Khởi cùng những cộng sự tiếp tục vận động các nhà tài trợ, dốc sức giúp F0 hoàn toàn miễn phí, góp phần giảm tải cho y tế công.
Vào đầu tháng 9-2021, khi Bình Tân trở thành quận "đỏ" nhất TP HCM về dịch bệnh, anh Khởi đã trực tiếp tham gia thiết lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận Bình Tân theo mô hình xã hội hóa đầu tiên và trực tiếp điều hành với chức danh phó giám đốc thường trực bệnh viện.
Bệnh viện này có quy mô 350 giường, đến khi anh bàn giao lại cho địa phương đã có 1.000 F0 được xuất viện. Sau đó, khi dịch bùng phát tại các tỉnh ÐBSCL, anh tiếp tục tham gia thành lập Bệnh viện điều trị Covid-19 Phú Tân (tỉnh An Giang) và hỗ trợ kinh nghiệm tư vấn, điều trị F0 cho một số tỉnh khác.
"Nhiều người ngạc nhiên về những dự án thuộc chuyên môn sâu về y tế mà chúng tôi thực hiện nhưng những ai theo dõi cả quá trình sẽ không thấy lạ. Chúng tôi đã có hơn 10 năm hoạt động liên quan đến y tế. Bản thân tôi là cá nhân trẻ tuổi nhất được nhận kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ Y tế vào năm 2019 với chương trình "Hành trình đỏ" - anh Khởi giải thích.
Ðược cộng đồng biết đến với nhiều hoạt động xã hội nhưng Khởi là một doanh nhân thực thụ với 9 doanh nghiệp do anh sáng lập, gồm 4 doanh nghiệp xã hội (hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội thay vì tối đa hóa lợi nhuận). Trong đó, Công ty CP Doctor Care Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực y tế nên có đủ pháp nhân để thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn.
Với Nguyễn Tuấn Khởi, hoạt động tình nguyện không phải là chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" mà là việc làm mang lại giá trị cho xã hội và bản thân người thực hiện. Trong các buổi trò chuyện với sinh viên, anh thường lưu ý việc nhà tuyển dụng cộng điểm kỹ năng mềm cho những ứng viên có kinh nghiệm hoạt động xã hội cộng đồng. Ngay với các chiến dịch giải cứu nông sản như chuối, khoai lang, dưa hấu, thịt heo…, dù không mang về lợi nhuận trực tiếp nhưng giúp anh rất lớn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho một dự án lớn về kết nối tiêu thụ nông sản bền vững sau này (Food Connect).
Hiện nay, Nguyễn Tuấn Khởi đang vận hành Food Bank Việt Nam, thành viên của Food Bank thế giới, trong chiến dịch chống lãng phí thực phẩm. Công ty giúp các doanh nghiệp, nhà bán lẻ xử lý hàng tồn, hàng cận date nhưng vẫn còn giá trị sử dụng hay các loại nông sản bị loại vì hình thức nhưng vẫn còn tốt. Ðiều này giúp người nghèo tiếp cận nguồn thực phẩm giá rẻ, thậm chí là miễn phí. Những dự án tâm huyết mà Nguyễn Tuấn Khởi đang thực hiện như thế này mang góc nhìn mới về một mô hình kinh tế sẻ chia, chứ không đơn thuần chỉ là làm từ thiện.
Bình luận (0)