Ngày 3-10, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết các bác sĩ vừa cứu thành công một trường hợp suy đa tạng do khuẩn vi khuẩn Whitmore, thường gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Đó là bệnh nhân nam (45 tuổi, quê Tân Lạc, Hòa Bình) phát hiện trong quá trình sàng lọc Covid-19 tại bệnh viện cách đây hơn 1 tháng. Khi đó, bệnh nhân làm việc trong trại nuôi lợn ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang. Sau khi có biểu hiện sốt, khó thở được 3 ngày, bệnh nhân trở về quê (Hoà Bình) để chữa bệnh.
Bệnh nhân nhập y tế cơ sở trong tình trạng sốt cao, khó thở tăng dần, chụp Xquang có hình ảnh viêm phổi, lập tức được cách ly và làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Ngay trong đêm, bệnh nhân suy hô hấp nặng lên, tụt huyết áp, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục thời điểm nhập viện - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng: Hôn mê sâu; suy hô hấp, hình ảnh viêm phổi lan tỏa 2 bên. Các bác sĩ ngay lập tức phải cho bệnh nhân thở máy hỗ trợ. Bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy thận-suy gan cấp kèm theo hội chứng nhiễm độc nặng phải lọc máu liên tục và thay huyết tương; nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường truyền tĩnh mạch.
Sau 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được xác định nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Theo bác sĩ Tình, trong qúa trình điều trị, tính mạng của bệnh nhân nhiều lần bị đe dọa bởi khi bệnh nhân đã bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do Whitmore có tỉ lệ tử vong rất cao. Đến nay, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị lãng quên gần 1 thế kỷ nay. Cách đây 1-2 năm, bệnh được phát hiện ngày càng nhiều với các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh còn được đồn đoán là do vi khuẩn ăn thịt người gây nên.
Thời gian gần đây các cơ sở y tế ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore
Các ca bệnh Whitmore được phát hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây trên cả nước là do nhân viên y tế đã nêu cao cảnh giác với căn bệnh này và kỹ thuật xét nghiệm tìm vi khuẩn ngày càng được chuẩn hoá.
Riêng trong 2 năm trở lại đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận ít nhất 6 bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore. Hầu hết các bệnh nhân đều đến bệnh viện trong tình trạng nặng vì không biết mắc bệnh này.
Whitmore làcăn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh thường lây theo đường máu. Những ai tiếp xúc với bùn đất và có vết thương trầy xước thường có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn này. Theo bác sĩ Tình, trong số các bệnh nhân đã từng mắc bệnh điều trị tại bệnh viện, tất cả các trường hợp đều có vết thương trên người và đã tiếp xúc với bùn đất và không có đồ bảo hộ.
Bình luận (0)