Tây Thái Bình Dương cũng là khu vực WHO xếp Việt Nam vào, bên cạnh một số nước Đông Á, châu Úc và các đảo quốc phía Tây Thái Bình Dương.
Theo báo cáo dịch tễ Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 20-10, khu vực này ghi nhận 853.468 ca mới trong tuần qua. Tin lạc quan là dù số ca tăng lại sau đà giảm liên tiếp nhiều tuần, số ca tử vong vẫn tiếp tục giảm thêm 14%, còn 1.348 ca.
Bản đồ số ca COVID-19 mới ghi nhận tuần qua, màu càng nhạt tỉ lệ số ca trên dân số càng thấp và ngược lại - Ảnh: WHO
Ba quốc gia có số ca tăng nhanh so với tuần trước được WHO nhắc đến là Singapore (57.482 ca, tăng 55%), Việt Nam (6.912 ca, tăng 30%) và Brunei (2/749 ca tăng, 27%). Ba quốc gia có số ca cao nhất là Trung Quốc (328.910 ca), Nhật Bản (218.276 ca) và Hàn Quốc (149.676 ca).
Số ca tử vong cao nhất khu vực ghi nhận ở Trung Quốc (413 ca), Nhật Bản (409 ca) và Philippines (246 ca).
Tuy nhiên vì có dân số cao nên xét về tỉ lệ thì tất cả các quốc gia nói trên, cũng như Việt Nam, đều được hiển thị bằng màu xanh lá cây nhạt nhất trên bản đồ tử vong (dưới 0,5 ca/100.000 dân). Trên bản đồ số ca mắc, dù tăng nhanh nhưng thực tế số ca vẫn thấp so với dân số nên Việt Nam, Philippines và Brunei đều hiển thị màu vàng nhạt nhất (dưới 10 ca/100.000 dân).
Bản đồ số ca tử vong do COVID-19 tuần qua, màu xanh lá cây càng nhạt tỉ lệ càng thấp, càng ngả về xanh dương đậm tỉ lệ càng cao, màu nâu da nhạt chỉ các nước chưa có dữ liệu đầy đủ - Ảnh: WHO
Khu vực có số ca cao nhất thế giới vẫn là châu Âu với hơn 1,7 triệu ca, giảm 11% về số ca mắc và giảm 18% về số ca tử vong. Châu Mỹ ghi nhận 348.092 ca, giảm 12% số ca mắc và giảm 20% số ca tử vong. Ba khu vực còn lại (Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Phi) chỉ ghi nhận vài ngàn đến vài chục ngàn ca.
Số ca tử vong toàn cầu tuần qua là 8.294 người, giảm 17% so với tuần trước.
Thông tin được WHO đặc biệt nhất mạnh là việc ghi nhận biến chủng XBB ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là một tái tổ hợp giữa BA.2.10.1 và BA.2.75, nó đã cho thấy khả năng né tránh miễn dịch mạnh nhất so với tất cả các biến chủng đã biết trước đây. Song hành với XBB còn có XBB.1 (XBB với sự thay thế bổ sung tăng đột biến ở Locus G252V).
Phân tích 98.731 trình tự gien SARS-CoV-2 được tổng hợp về cơ sở dữ liệu GISAID cũng cho thấy dòng dõi Omicron BA.5 tiếp tục chiếm ưu thế, chiếm 78,9%; tiếp theo là dòng dõi hậu duệ BA.4 (bao gồm BA.4.6), chiếm 6,7%; và dòng dõi BA.2 (bao gồm BA.2.75), chiếm cho 3,9%.
Tin vui là dù nhiều dòng hậu duệ lây lan nhanh hơn cả BA.5 đã được ghi nhận, nhưng vẫn chưa có biến chủng nào cho thấy sự gia tăng về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với Omicron gốc.
Trong cuộc họp báo ngay trước khi báo cáo trên được công bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo kết quả cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp (EC) về Các quy định y tế quốc tế (IHR) COVID-19: "Quan điểm của ủy ban là COVID-19 vẫn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và tôi đồng ý".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Ông nói thêm: "Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát và mở rộng khả năng tiếp cận với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc-xin cho những người có nguy cơ cao nhất. Trong khi tình hình toàn cầu rõ ràng đã được cải thiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, virus vẫn tiếp tục thay đổi, và vẫn còn nhiều rủi ro và bất ổn".
Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết Ủy ban khẩn cấp (EC) về Các quy định y tế quốc tế (IHR) đậu mùa khỉ sẽ nhóm họp một lần nữa vào ngày 20-10 để thảo luận về sự bùng phát và đưa ra các khuyến nghị.
"Số trường hợp được báo cáo trên toàn cầu hiện đã giảm trong 8 tuần liên tiếp, nhưng giống với COVID-19, rủi ro và sự không chắc chắn vẫn còn, và một số quốc gia vẫn đang chứng kiến sự lây truyền ngày càng tăng. Tôi mong đợi các khuyến nghị của EC" - tiến sĩ Tedros nói.
Bình luận (0)