Theo người nhà bà Nguyễn Thị D. (46 tuổi, ở huyện Mê Linh - TP Hà Nội), năm 15 tuổi, bà D. trèo cây, ngã đập hàm vào thành giếng. Sau đó, gia đình chỉ bôi mật gấu, bà D. cũng khỏi đau nên không đến cơ sở y tế khám.
Bà Nguyễn Thị D. không thể mở được miệng trước khi phẫu thuật
Song một thời gian sau, bà D. không thể mở được miệng, dù cố gắng hết sức cũng chỉ mở được chút xíu. Gia đình cũng đã cho bà D đi khám tại một số bệnh viện nhưng không khắc phục được tình trạng trên.
Suốt hơn 30 năm qua, việc ăn uống của bà D. vô cùng khổ sở. Bà phải ăn từng hột cơm một bằng cách lấy một chiếc que nhỏ đẩy vào góc hàm hoặc uống thực phẩm xay nhuyễn bằng ống hút.
Sau chấn thương hi hữu này, sức khỏe bà D. yếu dần, phần cằm dưới không phát triển khiến khuôn mặt bà nhỏ như một đứa trẻ. Mới đây, sau khi nghe nói “bệnh không há được miệng” có thế chữa khỏi, gia đình đã vay mượn tiền cho bà D. đến bệnh viện chữa trị.
Ngày 28-3, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cuba) đã tiến hành phẫu thuật tách hàm cho bệnh nhân Nguyễn Thị D..
Đây được đánh giá là một ca phẫu thuật khó. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, bệnh nhân D. bị chứng khít hàm sau chấn thương. Phần quay xương hàm để giúp mở miệng bị dính chặt nên bệnh nhân không thể mở miệng.
Các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho bà Nguyễn Thị D .
Với bệnh nhân này, phần gây mê là khó khăn nhất. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành gây mê thử. Vì bệnh nhân không thể há được miệng nên các bác sĩ phải gây mê “mò”, sau đó sẽ rạch vết mổ từ sau mang tai của hai bên để tách hàm.
Các phẫu thuật viên đã gỡ dính, bóc tách phần khớp xơ hóa của hai bên hàm bằng búa và các dụng cụ để đục đẽo phần xương, cơ đã bị xơ hóa. Sau đó, lấy vật liệu tự thân là phần mỏm vẹt (góc trong hàm dưới) tạo hình lại ổ khớp để bệnh nhân há, ngậm miệng bình thường.
Theo bác sĩ Thái, đây là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được phẫu thuật bằng vật liệu tự thân. Bệnh viện Việt Nam - Cuba từng điều trị cho một bệnh nhân bị chứng khít hàm nhưng vật liệu thay thế là bằng titan và vàng, với giá thành rất đắt, khoảng 10 tỉ đồng. Nếu thay thế hàm bằng sụn tự thân thì cũng rất nhanh tiêu, còn thay thế bằng mỏm vẹt góc trong hàm dưới thì sẽ giải quyết được các hạn chế này.
Ca phẫu thuật này kéo dài hơn 5 tiếng. Các bác sỹ cho biết, khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân D. sẽ được tập phục hồi chức năng với các động tác miệng
Bình luận (0)