GS Nguyễn Hanh Đệ (87 tuổi) từng là Chủ nhiệm phẫu thuật Khoa Tim mạch - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông là một trong những học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp mổ tim từ cố GS Tôn Thất Tùng. Suốt gần 50 năm gắn bó với nghề y, GS Đệ không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người bệnh có trái tim lỗi nhịp giữa lằn ranh sinh tử.
Cơ duyên đến với nghề "cực khó"
GS Đệ kể cơ duyên đưa ông đến với nghề cũng rất tình cờ. Năm 1954, chỉ có 3 trường để lựa chọn: Đại học Y, Đại học Dược và Sư phạm. Khi ấy ông không thích sư phạm, quanh đi quẩn lại y với dược. Gia đình đã có 2 người theo ngành dược nên ông Đệ quyết định chọn ngành y.
"Vào ngành y lúc đầu tôi không thấy hào hứng nhưng khi bắt tay vào công việc nó lôi cuốn mình. Tôi thấy hay ở chỗ giúp được cho đời. Người ốm đến, mình điều trị khỏi cả nhà họ vui. Từ đó trở đi, cái nghề y cứ cuốn mình theo" - ông Đệ chia sẻ.
GS Đệ là một trong những người đầu tiên kế nghiệp chuyên ngành mổ tim từ GS Tôn Thất Tùng. Ban đầu có vài người theo học nhưng sau chỉ còn một mình ông Đệ bởi chuyên ngành này "cực khó".
GS Nguyễn Hanh Đệ kể lại những ký ức ngành y
"Mổ tim khó ở chỗ chưa có ai đi theo ngành. Những kiến thức hồi học đại học, tài liệu về lĩnh vực này rất sơ sài, bắt buộc tôi phải tìm sách để trau dồi. Hồi đó không có nhiều sách, không có mạng internet như bây giờ. Lúc vớ được quyển sách hay tạp chí nào phải cố đọc bằng được. Để học được, chúng tôi phải thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi động viên bản thân phải cố gắng học tiếng, nếu không mình sẽ không theo được với nghề bởi tài liệu đều tiếng nước ngoài" - ông Đệ giải thích.
GS Đệ nhớ ký ức mình chính thức mổ tim cứu người vào ngày 14-3-1963. Tâm trạng của ông khi đó rất hồi hộp. Đặt ngón tay vào trong quả tim đang đập của bệnh nhân ông cảm thấy bị hẫng. Một lúc sau, ông tìm được van tim và ca phẫu thuật tách van hẹp đã thành công. Cứ thế, ông trải qua nhiều ca phẫu thuật cứu sống vô số những trái tim lỗi nhịp.
Vì người bệnh, rước khó vào thân
Trong cuộc đời làm nghề của mình, GS Đệ có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm đáng nhớ nhất là từng bị kiện lên Bộ Y tế vì thay van tim nhưng… không lấy hóa đơn.
"Mỗi bệnh nhân đến bệnh viện là một hoàn cảnh. Có bệnh nhân van tim bị hỏng phải thay bằng van tim nhân tạo. Tôi hỏi bệnh nhân có đồng ý không, họ gật đầu nhưng khi nghe bảo tốn khoảng 15-16 triệu đồng, họ chần chừ một hồi lâu rồi nói "thôi để em về bán nhà"" - GS Đệ nhớ lại.
Theo GS Đệ, 15-16 triệu đồng khi đó rất lớn, bán nhà ở nông thôn chưa chắc trả nổi. Vì vậy, ông tìm cách "lách luật". "Tôi đàm phán với hãng bán van tim, hỏi không lấy hóa đơn đỏ có được không? Họ bảo cũng được, nếu không lấy sẽ trừ 100 USD. Nghe xong tôi sướng quá, đồng ý ngay. Bệnh nhân ở nông thôn cần thanh toán với ai mà đòi hóa đơn đỏ!" - GS Đệ kể.
Tuy nhiên, không may bệnh nhân tử vong, người nhà bệnh nhân đòi hóa đơn đỏ và kiện GS Đệ lên Bộ Y tế, tố ông mua van tim trôi nổi ngoài thị trường. GS Đệ sau đó phải tường trình vụ việc với Bộ Y tế và bị khiển trách.
"Nếu không có lương tâm đừng làm nghề y"
Ngoài chuyện hóa đơn đỏ, GS Đệ còn được biết đến với câu chuyện tiết kiệm từng sợi chỉ vì người bệnh. Nếu như ở nước ngoài, chỉ dùng một lần là vứt còn ông tận dụng khâu tiếp cho bệnh nhân khác.
"Một sợi chỉ cũng vài chục nghìn chứ không phải rẻ đâu, đương nhiên làm như thế bệnh nhân đỡ phải nộp viện phí song cũng sẽ đưa khó khăn về cho mình. Từ câu chuyện của tôi, có thể hiểu được trong ngành y nếu tham một tí, vụ lợi một tí thì có thể xảy ra sai phạm. Làm nghề y không có lương tâm thì không nên làm" - ông Đệ đúc kết.
Sau những giờ phút mổ cứu chữa bệnh nhân căng thẳng, GS nhận được những lời cảm ơn từ người nhà bệnh nhân. Ban đầu ông cảm thấy rất cảm động nhưng sau dần thấy ngại vì cứu người là nhiệm vụ của người thầy thuốc. Vì vậy ông thường từ chối chuyện quà cáp. Tuy nhiên, nhiều người tặng quà quá chân tình nên ông buộc phải nhận vì đó là tấm lòng trân quý của họ.
Khoảng những năm 1980, GS Đệ phẫu thuật cho một bệnh nhi 14 tuổi có khối u trong tim. Trước đó, bệnh nhi được chẩn đoán hẹp van tim và được 1 bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ đó sau khi mở ngực bệnh nhân ra thì thốt lên: "Chết rồi, bệnh nhân không phải hẹp van, hình như có khối u bên trong".
GS Đệ lúc này cũng đang trong ca phẫu thuật ở bàn bên cạnh. Sau khi mổ xong ca của mình thì ông thay áo, găng tay, sang bàn mổ của cháu bé. Khám thấy trong tim bệnh nhân có khối u, ông quyết định đóng vết mổ để chuyển sang mổ tim hở.
"Cháu bé có một khối u to bằng quả trứng gà. Lấy được u tim ra tôi đóng vết mổ lại, cảm thấy rất sung sướng. Đó cũng là lần đầu tiên ở nước ta có ca mổ u tim. Tôi cầm khối u mang xuống cho bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu thốt lên: Sao u to như thế. Hai vợ chồng họ vui khôn tả vì con trai được cứu sống" - GS Đệ nói.
Khoảng 3-4 tháng sau, bố của bệnh nhi tìm đến nhà GS Đệ và biếu ông một cái biến thế tự lắp. Người nhà cháu bé biết điện Hà Nội chập chờn, tối đèn như đom đóm nên đã tự làm biến thế để cảm ơn người thầy thuốc cứu con mình. "Có cái biến thế, con tôi đã thắp điện học mà không phải dùng đèn pin" - GS Đệ vui vẻ nói.
Gần 50 năm làm nghề, GS Đệ được mệnh danh là "bàn tay vàng" cứu chữa những trái tim lỗi nhịp. Nghe tôi nói về danh xưng này, người thầy thuốc đáng kính cười nhẹ nhàng bảo: "Đối với bác sĩ phẫu thuật thì bàn tay không phải là thứ quan trọng nhất. Mà điều quan trọng hơn là lương tâm. Lương tâm là cái nằm trong tim. Với lương tâm ấy, nếu vì người bệnh, mình sẽ làm tất cả cho họ. Nếu không có lương tâm thì đừng làm nghề y vì có làm chỉ làm hại cho người bệnh".
Học sự tận tâm với nghề từ thầy Tôn Thất Tùng
Năm 1966, người bác sĩ trẻ Đặng Hanh Đệ được GS Tôn Thất Tùng đề xuất cho ra nước ngoài học. Đây là bước đi đầu tiên đánh dấu thành công trong sự nghiệp của GS Đệ về sau.
"Là người thầy thuốc tôi học được rất nhiều đức tính từ thầy Tôn Thất Tùng. Thầy luôn luôn đòi hỏi học trò, người giúp việc mình phải phấn đấu, làm gì phải toàn tâm toàn ý. Thầy rất ghét người "sáng cắp ô đi, chiều cắp về". Thầy rất nóng tính, một khi học trò không làm được thầy mắng ngay, nói thẳng chứ không như người khác. Có khi thầy lấy dụng cụ mổ quật vào mu bàn tay đau lắm nhưng không ai dám kêu. Trong cuộc phẫu thuật rất căng thẳng nhưng khi mổ xong thầy rất thân tình, gần gũi với học trò, cái hay ở chỗ đó!" - GS Đệ kể về người thầy đáng kính của mình.
Bình luận (0)