Bố mẹ tôi sinh được 6 người con. Lúc nhỏ, chúng tôi lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khoảng 6-7 tuổi, 5 trong số 6 chị em tôi lần lượt bị "quái bệnh" vì khuôn mặt đứa nào cũng đeo những khối u to đùng như quả bưởi.
Chị em phải trốn vào rừng
Tôi sinh năm 1979, có khối u to nhất, chiếm toàn bộ nửa mặt bên trái. Chị tôi là Lục Thị Mói (SN 1978) bị khối u cả hai bên mặt, muốn nhìn phải cúi đầu xuống. Em trai tôi là Lục Văn Cường (SN 1985) cũng bị méo mó khuôn mặt, em gái Lục Thị Long (SN 1990) cũng có khối u còn em út Lục Thị Linh (SN 1996) thì khối u nhỏ hơn. Để chạy chữa cho chị em tôi, bố mẹ vay tiền ngân hàng đưa con đi khắp các bệnh viện nhưng điều nhận lại là vô vọng, vì bác sĩ bảo với bố tôi rằng: "Con anh bây giờ động dao kéo vào là chết vì bệnh quá nặng rồi". Nhiều lúc tôi bắt gặp ba tôi ngồi khóc một mình...
Chị Lục Thị Hai (thứ 3 từ phải sang) và các chị em với những khối u khổng lồ trên mặt, khi chưa được phẫu thuật
Chị em chúng tôi mắc căn bệnh loạn sản xương dẫn đến hình thành các khối u. Theo thời gian, khối u phát triển to đến nỗi tôi đội nón nó còn chui ra khỏi vành nón. Nó rất nặng, tôi phải kê nó ở trên vai mới đỡ mỏi cổ. Làng xóm ai cũng sợ hãi mỗi khi nhìn thấy các chị em tôi.
Để tránh sự dị nghị, dè bỉu của mọi người, bố mẹ đành ngậm ngùi đi sâu vào rừng, dựng cho mấy chị em tôi 2 gian nhà đất để ở. Cứ vậy, chị em tôi sống ở đó nhiều năm… Những ngày sống cách biệt trong rừng đó, tôi luôn cầu nguyện và mong được gặp ông Bụt ban cho phép mầu để mình có thể thoát khỏi căn bệnh hãi hùng này. Và rồi phép mầu đã đến…
Nhờ sự kết nối của 2 phóng viên Báo Người Lao Động, mấy chị em tôi được đưa về Bệnh viện K (Hà Nội) để thăm khám. Nghe tin sắp được đi chữa bệnh, tôi mừng đến khóc òa lên, mấy chị em ai cũng mừng.
Người mang cuộc sống cho 5 cuộc đời
Khi đó là vào mùa hè năm 2007, các anh chị phóng viên Báo Người Lao Động đưa xe lên Thái Nguyên đón chúng tôi xuống Hà Nội. Xe lăn bánh, đường quê mới mưa xong, khắp nơi đều là ổ gà, bị dằn xóc khiến tôi say xe, nôn rất nhiều… Dù rất mệt nhưng tôi rất vui, mong được gặp bác sĩ, những tia hy vọng đầu tiên sau nhiều năm dài đau khổ dần lóe lên.
3 giờ chiều hôm đó mới đến được Bệnh viện K. Vừa đến, người đầu tiên tôi nhìn thấy là một vị bác sĩ mặc áo blouse trắng trông như ông tiên. Đó là bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K. Bác khám cho 2 chị em tôi, rồi sắp xếp làm các xét nghiệm và chụp chiếu. Trong lúc đó, Báo Người Lao Động vẫn tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp gia đình tôi.
Bác sĩ Bảo quyết định mổ cho em gái út bị bệnh nhẹ nhất vào ngày 2-7-2007. Trong quá trình phẫu thuật cho em tôi đã xảy ra không ít thách thức nhưng cuối cùng ca mổ thành công.
Rồi trường hợp khối u của tôi cũng được các bác sĩ hội chẩn rất kỹ càng. Trước khi đi mổ, bác sĩ Bảo gọi tôi vào và nói: "Bác mổ cho cháu nhé!". Giọng bác vang lên, tôi nghe mà cảm thấy ấm áp, tia hy vọng trong tôi như được lóe sáng thêm.
Hôm xếp lịch phẫu thuật cho tôi, bác sĩ Bảo hoãn tất cả ca khác với mục đích quyết tâm cứu chữa cho tôi. Nghĩ đến việc từ lúc chị em tôi vào viện, bác sĩ Bảo và các bác sĩ trong khoa phải hao tâm tổn trí rất nhiều mới xếp được lịch mổ cho tôi, lòng tôi biết ơn vô hạn. Tôi nôn nao không ngủ được.
Ngày 9-7-2007, ca mổ cho tôi bắt đầu từ 8 giờ đến 15 giờ mới xong. Khi tôi tỉnh lại, người đầu tiên tôi nhìn thấy là bác sĩ Bảo và bố tôi. Tôi muốn òa khóc vì mừng rỡ, vì được thấy cả 2 người bố. Bác sĩ Bảo như người bố đã sinh ra tôi lần thứ 2 trong cuộc đời này. Tôi nằm viện 3 tháng trời với 3 lần mổ mới có được khuôn mặt lành lặn như hôm nay.
Trong thời gian 2 năm ròng rã, ngoài bác sĩ Bảo, các bác sĩ, điều dưỡng, y tá ở Khoa Ngoại đầu cổ đã giúp đỡ gia đình tôi hết lòng. Lần lượt các chị em tôi được các bác sĩ mổ cắt bỏ khối u. Gia đình tôi không biết làm cách nào để thể hiện lòng biết ơn gửi đến các bác sĩ, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho chị em tôi thoát khỏi căn bệnh mà một số người cho là "trời đày", "quỷ ám".
Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo lúc sinh thời đến thăm vợ chồng chị Lục Thị Hai. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Từ đó trở đi, chị em tôi rời khỏi rừng, sống hòa nhập với cộng đồng. Lần lượt chúng tôi đi xin việc làm và tiếp tục việc học. Đều đặn 6 tháng 1 lần, chúng tôi lại đến Bệnh viện K để các bác sĩ tái khám.
Năm 2012, tôi có bạn trai và chúng tôi dự định tiến tới hôn nhân. Tôi đã ngần ngừ rất lâu và gọi điện hỏi bác sĩ Bảo rằng: "Con có kết hôn được không, con của con sinh ra có bị mang khối u không?".
Được sự động viên của bác sĩ Bảo, tôi lấy chồng và sinh được một bé trai khỏe mạnh. Báo Người Lao Động đã tặng tôi một chiếc máy khâu, bác sĩ Bảo đã tặng vợ chồng tôi một số tiền để làm ăn.
Căn bệnh di truyền
Hai năm sau, vợ chồng tôi sinh thêm một cháu trai nữa. Khi đó, đứa lớn mới lên 8 và căn bệnh quái ác loạn sản xương quay trở lại ám ảnh gia đình nhỏ của tôi. Ban đầu nó chỉ là một biểu hiện lạ ở chân răng. Tuy nhiên sau đó, khối u phát triển rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã phá hủy một bên hàm của con.
Ngày 5-6-2023, con trai tôi vào bệnh viện. Sau nhiều ngày thăm khám và hội chẩn, bác sĩ Ngô Xuân Quý, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K, quyết định phẫu thuật cho cháu. Bác sĩ Quý cũng chính là người cùng bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo thực hiện ca mổ cho cho cả 5 chị em tôi hơn 10 năm trước nên tôi rất tin tưởng.
Ngày 12-6-2023, kíp bác sĩ Khoa Ngoại đầu cổ đã mổ cho con tôi. Ca mổ diễn ra thành công. Sau gần 1 tuần, con trai tôi được xuất viện.
Trước khi ra viện, mẹ con tôi nán lại chờ bác sĩ Quý thực hiện xong ca phẫu thuật để chào ra về. Bác sĩ Quý nói với con trai tôi: "Bác đã cố gắng mổ cho cháu với mong muốn lấy hết u ra nhưng chưa lấy được hết, chắc cháu vẫn phải mổ lại nhưng đợi đến tuổi trưởng thành". Tôi và con trai nghẹn ngào, chỉ biết cúi đầu cảm ơn.
Chị em tôi rồi đến con tôi đã bất hạnh khi mắc phải căn bệnh loạn sản xương quái ác nhưng chúng tôi cũng thật may mắn và hạnh phúc khi gặp được những người như bác sĩ Bảo, bác sĩ Quý, các điều dưỡng, y tá ở Bệnh viện K... Họ làm việc với tấm lòng lương y như từ mẫu, chăm sóc chúng tôi bằng cả trái tim.
Để chị em chúng tôi và con trai tôi được cắt bỏ khối u và có cuộc sống như hôm nay, ngoài sự tận tâm của tập thể y - bác sĩ, điều dưỡng, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều nhà hảo tâm. Thật không thể kể hết bằng lời...
Sống mãi trong trái tim chị em tôi
Cuối năm 2016, trong lúc đang làm việc, tôi nhận được cuộc điện thoại báo tin bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo đang ốm rất nặng.
Nghe đến đó, người tôi như chết lặng, rồi nước mắt tôi cứ thế trào ra, tôi chỉ muốn về thăm bác ngay nhưng vì công việc nên không thể đi ngay được. Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn như thế, tôi đã khóc đến ngày được về thăm bác sĩ Bảo.
Khi tôi và chồng con đến thăm bác sĩ Bảo, tôi chào và hỏi ông có mệt lắm không. Ông gật đầu và nắm chặt tay con trai tôi hồi lâu. Nhìn cảnh đó, nước mắt tôi lại ứa ra... Chỉ khoảng vài tháng sau đó, bác qua đời...
Về viếng tang lễ bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, có rất nhiều bệnh nhân khắp mọi nơi. Mặc dù không còn nữa nhưng bác sĩ Bảo vẫn mãi sống trong tim chị em tôi...
Bình luận (0)