PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết trong một tháng qua, tại đây đã tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân đột quỵ, đáng chú ý, 10% là người trẻ (dưới 44 tuổi), trong đó có trường hợp mới chỉ 14 tuổi.
13 tuổi cũng đột quỵ
Cách đây ít ngày, nam thanh niên 28 tuổi ở tỉnh Quảng Ninh được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nhức đầu dữ dội và mất phản xạ.
Theo gia đình bệnh nhân, sau khi đi làm về, nam thanh niên nói bị nhức đầu, nên đã lên giường nằm nghỉ. Khoảng 2 giờ sau, người mẹ vào đánh thức con dậy nhưng không có phản ứng nên vội đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
TS-BS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nam bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não. Bệnh nhân được nhanh chóng can thiệp nút khối dị dạng và may mắn qua cơn nguy kịch.
"Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới tiếp tục tập phục hồi chức năng. Nếu kiên trì tập luyện có thể hồi phục ít nhất 80%-90%" - BS Tuyến đánh giá.
Một nam bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi đang được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) Ảnh: ĐỖ HẰNG
Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai TP Hà Nội cũng vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 34 tuổi bị đột quỵ não nhưng do cấp cứu muộn nên đã tử vong. Chồng bệnh nhân cho biết sáng sau khi thức dậy, vợ anh sửa soạn đi làm thì đột ngột thấy chóng mặt, tê nửa người, nói hơi khó nghe.
Nghĩ là vợ chỉ bị mệt sau đợt chấm thi căng thẳng, người chồng đỡ vợ vào giường nằm nghỉ. Đến trưa, không thấy vợ dậy, nghĩ vợ mệt nên anh để cô ngủ thêm.
Chiều tối, anh lay gọi vợ dậy nhưng đáp lại chỉ là tiếng ú ớ với ánh mắt vô hồn. Người chồng vội vã gọi xe cấp cứu đưa vợ tới bệnh viện tỉnh và được chuyển tiếp lên bệnh viện trung ương nhưng cô không qua khỏi.
Theo BS Nguyễn Văn Tuyến, thời tiết chuyển lạnh đã khiến số người mắc đột quỵ gia tăng. Không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, hiện bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ, trong đó nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi nhập viện trong thời gian gần đây chiếm đến 17%, đáng chú ý có bệnh nhân chỉ 13 tuổi.
Tầm soát đột quỵ
Theo các bác sĩ, đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai, những người trẻ tuổi hoàn toàn không có miễn nhiễm với căn bệnh này. Trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên nhưng nay độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Các thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng các ca đột quỵ, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ trung bình tăng khoảng 2%/năm.
TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, cho biết tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ ghi nhận tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ từ 40 tuổi trở xuống ở nam giới chiếm đến 80% (100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói/ngày và thường xuyên ăn nhậu).
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, thế giới có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong. Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.
Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. TS-BS Trần Chí Cường cho biết việc ăn tối trễ, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, đường huyết tăng, béo phì… là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở người trẻ.
Ngoài các yếu tố nguy cơ trên, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đột quỵ ở người trẻ là dị dạng mạch máu não, đây là điểm khác biệt so với nguyên nhân gây đột quỵ ở người cao tuổi, thường do xơ vữa động mạch. Dị dạng mạch máu não thường được phát hiện ở độ tuổi dưới 18, phần lớn là dị dạng bẩm sinh.
"Những trường hợp nên tầm soát đột quỵ dù nhỏ tuổi như: có những cơn mất ý thức thoáng qua, cơn động kinh ở những trẻ nhỏ, đau đầu kéo dài ở người trẻ (đau đầu này không liên quan đến áp lực học hành), đau đầu thường xuyên kèm dấu hiệu tê yếu tay chân… Nếu có những dấu hiệu này, người trẻ nên đi đến bệnh viện kiểm tra chứ không được lơ là, chủ quan.
Đột quỵ ở người trẻ hoàn toàn có thể đẩy lùi nếu có thói quen sinh hoạt lành mạnh như tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn; không hút thuốc lá; hạn chế uống bia, rượu…" - BS Trần Chí Cường khuyến cáo.
Không tắm đêm bằng nước lạnh
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng (Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM), chưa có nghiên cứu nào cho thấy tắm đêm có nguy cơ trực tiếp dẫn tới đột quỵ. Đừng dựa trên vài trường hợp người nổi tiếng tắm đêm và bị đột quỵ mà kết luận như vậy. Nếu trường hợp tắm đêm mà tắm bằng nước lạnh, cộng với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp hoặc các yếu tố liên quan đến bệnh tim thì sẽ là yếu tố cộng thêm đáng lưu ý. Thức quá khuya, thức cả đêm liền cũng là yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ.
Bình luận (0)