Sáng 9-9, Sở Y tế TP HCM triển khai cuộc họp bàn cách phòng chống dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp Trung Đông MERS-CoV. Mọi phương án chống dịch được ngành y tế lên kế hoạch, trong đó nhấn mạnh dù là dịch bệnh nguy hiểm nhưng không nên gây hoang mang cộng đồng.
Cảnh báo bệnh hô hấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Riêng về trường hợp ca nghi nhiễm bệnh MERS-CoV đầu tiên tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị S. (52 tuổi, ngụ Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) sau 4 ngày cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe hồi phục hoàn toàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM - hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP HCM chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-CoV và công tác phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này được ngành y tế TP đang triển khai là ở tình huống 1 (chưa có ca bệnh xâm nhập, giám sát chặt dịch xâm nhập ngay tại cửa khẩu).
Hiện ngành y tế chủ động, chuẩn bị kế hoạch về nhân vật lực chống dịch. Lo ngại nhất ở thời điểm này là dù chỉ với triệu chứng hô hấp thông thường nhưng người dân ở tỉnh sẽ đổ dồn lên tuyến trên sẽ gây ra hiện tượng quá tải trầm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện nay sự nâng cao cảnh giác dịch bệnh của cộng đồng là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ngành y gặp phải không ít khó khăn khi gặp sự bất hợp tác của các đối tượng có nguy cơ cao. Cụ thể, mức độ hợp tác của các đơn vị có người đi nước ngoài còn hạn chế, gia đình có người về từ vùng dịch không chịu tiếp xúc. Có những vụ mãi tới gần nửa đêm cán bộ y tế mới tiếp cận được đối tượng.
Đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM- cơ chế lây lan dịch MERS-CoV là trực tiếp qua đường hô hấp nên các bệnh viện cần tăng cường phòng chống, tránh lây lan nhân viên y tế với nhau. Nguyên tắc việc thu dung, điều trị dịch này là tại chỗ. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện quận/huyện tái lập lại hoạt động tiếp nhận bệnh nhân dịch như cúm trước đây.
Bình luận (0)