Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về dân số và phát triển hồi cuối tháng 11. Hội thảo nhằm tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với công tác dân số của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc chuyển trọng tâm trong công tác dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Theo thống kê, quy mô dân số Việt Nam hiện khoảng gần 96,5 triệu người (năm 2019). Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác dân số nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%. Cùng với đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra và ngày càng lan rộng; lợi thế của dân số vàng chưa thực sự được khai thác và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp chủ động thích ứng. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa cao; tốc độ già hóa dân số nhanh; chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế… "Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Người cao tuổi ở nước ta thường mắc các bệnh lý mãn tính về tim mạch, huyết áp (ảnh minh họa)
Ông Sơn cho biết Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển các cấp để trình Chính phủ trong năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số) cho biết tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài. Trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.
Bình luận (0)