Bệnh viện Da Liễu TP HCM cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn, khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá… đã khiến người mắc bệnh viêm da cơ địa mạn tính ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Bệnh tật gia tăng
Nhìn bầu trời mờ mịt trong sương, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quận Gò Vấp) không dám chở con ra đường. Bởi mấy hôm trước, nhiều giờ chạy xe từ nhà đến chỗ làm, chị Hiền bị cay mắt, cổ họng rát ngứa, toàn thân ê ẩm khó chịu.
"Năm ngoái cũng tầm này, bầu trời đầy sương mù do ô nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo người già, trẻ nhỏ hạn chế ra đường vì nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp. Nên năm nay thấy trời mù mờ là tôi cho con ở nhà cho chắc ăn dù không biết ô nhiễm ở mức độ nào" - chị Hiền cho biết.
Anh Trần Phát (quận 2) ấm ức nói: "Thứ bảy và chủ nhật tuần rồi trời mây mù, mát mẻ, cứ nghĩ là do mùa đông, tôi cho cả nhà ra công viên xả stress nhưng đi về thì 2 đứa nhỏ bị viêm mũi họng, phải nghỉ học mấy hôm. Đọc thông tin trên báo mới biết không khí ô nhiễm nặng, nếu biết trước tôi không chở các cháu ra đường".
Ghi nhận từ ngày 11-12 đến nay, bầu trời TP luôn bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc, có ngày kéo dài từ sáng sớm đến tận chiều tối, sương mù chỉ giảm khi nắng lên.
Nhiều tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám, đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi đều bị bao phủ bởi sương mù, nhìn xa hơn, các tòa nhà cao tầng ở quận 1 bị mờ hẳn hoặc mất hút trong mù sương. Đứng trên cầu Kênh Tẻ (quận 4) nhìn về hướng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, chúng tôi thấy dòng kênh khuất trong sương mù, nhiều tàu bè khuất dạng, nhìn xa hơn về hướng quận 2, quận 7, các tòa nhà cũng mờ mịt trong sương sáng.
Trên các ứng dụng đo chất lượng không khí như PAM Air, AirVisual đều cảnh báo chất lượng không khí có ảnh hưởng sức khỏe và yêu cầu hạn chế ra đường.
BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết thống kê tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM năm 2019, số bệnh nhân khám chữa bệnh vì viêm da cơ địa lên đến hơn 150.000 trường hợp, chiếm 19,19%, tỉ lệ cao nhất trong mô hình bệnh tật của bệnh viện này.
Theo BS Thúy, tỉ lệ viêm da cơ địa tăng theo tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông và bụi mịn gây chết tế bào sừng trong lớp thượng bì làm suy giảm hàng rào bảo vệ da. Nghiên cứu còn cho thấy nếu mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm do khí thải từ phương tiện giao thông trong giai đoạn mang thai sẽ làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa cho trẻ.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cũng lo ngại tình trạng gia tăng các bệnh về hô hấp ở trẻ em, hen, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) ở người lớn mà nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm không khí.
Bầu trời TP HCM mù mịt sương vào những ngày giữa tháng 12-2020 do ô nhiễm không khí (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Trông chờ các giải pháp căn cơ
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP HCM chủ yếu do hoạt động giao thông gây ra, TP hiện có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới, trong đó trên 7,1 triệu xe máy, còn lại là ôtô. Theo Sở Giao thông Vận tải TP, ôtô hiện đã có biện pháp kiểm soát thông qua các đợt đăng kiểm định kỳ, có tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại xe. Riêng môtô, xe 2 bánh vẫn chưa có quy định và đang chờ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng để giải quyết nguyên nhân ô nhiễm, TP cần triển khai cấp bách kế hoạch tăng cường hoạt động vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cá nhân (ôtô và xe máy), thu hồi những phương tiện cũ kỹ, gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát nghiêm ngặt khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Thông tin của Sở Giao thông Vận tải TP cho hay TP đã đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân, tăng lên 25% vào năm 2030. Ngoài ra còn có các nhóm giải pháp khác như kiểm soát phương tiện cơ giới bằng cách thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp thu phí ô nhiễm môi trường môtô, xe máy 2, 3 bánh.
GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP HCM), đề xuất trước mắt TP cần phải có một cơ quan chuyên trách về ô nhiễm không khí. Cơ quan này phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị quan trắc tự động, kịp thời đưa ra những cảnh báo cho người dân khi thời tiết bất thường. Vấn đề ô nhiễm không khí không thể xem nhẹ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt có những chất ô nhiễm không thể thấy bằng mắt thường hay đo lường bình thường được.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, từ nay đến năm 2025, TP sẽ thiết lập 9 trạm quan trắc không khí tự động và 1 xe quan trắc di động. Hiện đã có 2 trạm vận hành thử nghiệm ở cửa ngõ phía Đông và phía Tây TP.
Bình luận (0)