Thông tin trên đã được TS Tony Hanks, chuyên viên về khúc xạ nhãn khoa người Úc, đưa ra tại một cuộc tọa đàm về khúc xạ nhãn khoa do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) tổ chức mới đây.
Tại Việt Nam, việc một người có vấn đề về thị giác hay mắc tật khúc xạ không được chẩn đoán, phân loại, điều trị và dùng các dụng cụ hỗ trợ thích hợp không hiếm. ThS Trần Hoài Long, Trưởng Phân môn Khúc xạ - Bộ môn Mắt của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kể một câu chuyện: Ông cùng một đoàn y tế đến thăm một trường mù, xem các em đọc chữ nổi và nhận ra một số em khiếm thị đọc chữ nổi bằng… mắt chứ không phải dùng xúc giác. Thực ra, các em này bị khiếm thị ở mức độ vẫn còn nhìn thấy được, chỉ là nhìn rất kém. Đành rằng các em này không đủ khả năng để tự theo học một trường bình thường nhưng thay vì được khám, điều trị, phục hồi chức năng hay dùng kính phù hợp thì các em lại “được” đưa thẳng vào trường mù, đây là một thiệt thòi rất lớn.
Có thể lấy ví dụ khác. Một cụ ông bị đục thủy tinh thể chẳng hạn, nếu vào nơi có điều kiện kỹ thuật, người khám có chuyên môn thì sẽ được đưa đi trị đục thủy tinh thể trước, sau đó chỉnh kính trị viễn, lão thị. Còn nếu ông tự đi tìm mua một cặp kính và phó thác việc tìm độ kính và tật khúc xạ cho nhân viên bán hàng thì việc đục thủy tinh thể sẽ không được phát hiện, có dùng kính gì ông cũng sẽ không thể nhìn rõ.
Các khảo sát tại Việt Nam đưa ra những con số khác nhau về tật khúc xạ (cận, viễn, loạn, lão thị…) khoảng 15%-40%, tương đương 14-36 triệu người. Về tật khúc xạ ở trẻ em thì tỉ lệ mắc ở thành thị là 25%-40%, nông thôn là 10%-15%. Nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa tại các bệnh viện ở TP HCM nhận xét khá nhiều người tìm đến nhân viên y tế khi chỉ còn nhìn nửa mờ nửa tỏ qua các cặp kính mua theo sự “chẩn đoán” của những người bán kính.
Theo ThS Hoài Long, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng cứ 50.000 dân thì cần có 1 bác sĩ nhãn khoa và 1 cử nhân khúc xạ, nghĩa là Việt Nam cần 1.791 bác sĩ và 1.791 cử nhân khúc xạ. Thế nhưng, hiện cả nước ta chỉ có 1.235 bác sĩ nhãn khoa và 9 cử nhân khúc xạ đang làm việc. Việc đào tạo thêm nhân lực chuyên khoa, đòi hỏi những nơi buôn bán kính phải có người đủ năng lực chuyên môn cùng với giấy phép hành nghề đồng thời thay đổi thói quen của người dân là 3 điểm mấu chốt để giải quyết tình trạng giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ mù lòa chỉ vì… dùng sai kính.
Bình luận (0)