Phát hiện sớm, điều trị dễ dàng
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Trưởng Khoa Hồi phục chức năng BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM khẳng định, trẻ bị TKHBS nếu được phát hiện và tập vật lý trị liệu sớm thì kết quả hồi phục chiếm tỉ lệ hơn 96%, tránh nguy cơ tàn tật cho trẻ về sau. Cụ thể là được phát hiện và tập vật lý trị liệu trước 4 tháng tuổi và lý tưởng nhất là trước một tháng tuổi. Lý do, trẻ dưới một tháng tuổi ngủ nhiều, ít cử động nên khi đặt tã với một cục mút để dạng khớp háng sẽ có hiệu quả rất tốt.
Theo bác sĩ Tần, bệnh TKHBS còn khá mới mẻ đối với nhiều cơ sở y tế ở nước ta. Trước năm 1997, tại nước ta chưa có một cơ sở y tế nào phục hồi chức năng cho trẻ sơ sinh nên trẻ bị TKHBS chưa được phát hiện và tập vật lý trị liệu. Sau một tuổi, những trường hợp này sẽ đi khập khiễng. Lúc này, các cháu mới được phát hiện bệnh và chỉ có một cách điều trị duy nhất là phẫu thuật. Từ năm 1997 đến nay, BV Phụ sản Từ Dũ mới phát hiện và tập vật lý trị liệu xoa nắn, nẹp... cho những trẻ dưới 4 tháng tuổi bị TKHBS.
Bác sĩ Phương Tần cho biết, trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi trật ra ngoài ổ cối của xương chậu, xảy ra sau sinh hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Trẻ bị TKHBS chiếm từ 0,5%-2% trẻ sơ sinh. Những trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị TKHBS là bé gái, con so, sinh đôi, sinh ba, đa thai, sinh ngôi mông, ngôi thai bất thường, nội tiết của mẹ, đặc tính lỏng lẻo của bao khớp và dây chằng khớp háng. Triệu chứng của TKHBS là giới hạn động tác háng bên khớp háng trật, nếp lằn mông, bẹn đùi bên trật cao hơn bên lành, chân xoay ngoài tạo thành tư thế nằm bất thường... Gặp những trẻ có nguy cơ cao hoặc có những triệu chứng trên, các bác sĩ sẽ cho trẻ siêu âm khớp háng để chẩn đoán.
Nhiều trường hợp phát hiện quá trễ
Bác sĩ Phan Văn Tiếp, Trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết mỗi năm Khoa Chỉnh hình Nhi tiếp nhận khoảng 40-50 trẻ bị TKHBS, trong đó đa số các trường hợp đến trễ khi trẻ đã biết đi, thậm chí đã 13, 14 tuổi. Những bệnh nhi này được cha mẹ đưa đến BV với lý do chân trẻ đi khập khiễng. Mặc dù Khoa Chỉnh hình Nhi tiếp nhận điều trị cho trẻ bị TKHBS từ 4 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên rất hiếm gặp những trẻ dưới một tuổi. Bác sĩ Tiếp nhấn mạnh, đến BV sớm trẻ sẽ được BV cho kéo tạ, bó bột để cố định khớp háng trong 3 tháng. Sau thời gian này, nếu khớp háng không hồi phục thì mới đợi đến 8 tháng tuổi để phẫu thuật. Cho dù phải phẫu thuật thì phẫu thuật ở độ tuổi này là đơn giản (không phải cắt xương đùi, thời gian phẫu thuật ngắn) và quan trọng là khả năng phục hồi cao. Còn khi trẻ đã biết đi, thậm chí hơn 10 tuổi cũng vẫn thực hiện được phẫu thuật nhưng tuổi càng lớn khả năng phục hồi càng kém. Chưa kể đến, trẻ bị TKHBS càng điều trị trễ càng có nguy cơ bị hoại tử chỏm cao. Đây là biến chứng đáng sợ nhất của bệnh TKHBS. Còn trẻ bị TKHBS mà không điều trị về sau sẽ gây đau đớn khi đi lại, bị vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, khớp gối...
Bác sĩ Phương Tần khuyên, để phát hiện sớm bệnh TKHBS, các BV có khoa sản, các nhà hộ sinh cần phải biết cách phát hiện sớm các bất thường của khớp háng, ngoài ra các bà mẹ cũng cần biết các dấu hiệu của bệnh (như đã kể trên) để đưa trẻ đi khám, phát hiện bệnh sớm.
Chưa có chương trình tầm soát bệnh TKHBS Theo bác sĩ Phan Văn Tiếp, ở các nước phát triển tất cả trẻ em sinh ra sẽ được tầm soát bệnh TKHBS. Tại nước ta cho đến nay mới chỉ có một số ít các cơ sở y tế thực hiện cách phát hiện sớm bệnh và tập vật lý trị liệu cho những trẻ mắc bệnh này như BV Phụ sản Từ Dũ, BV Nhi Đồng 1... Do vậy, các bậc cha mẹ chủ động lưu ý đến những triệu chứng của bệnh để có thể đưa trẻ đến BV điều trị sớm. |
Bình luận (0)