Ngày 23-8, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh nhân nữ nêu trên được chuyển đến từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh hôm 12-8 trong tình trạng suy hô hấp nặng.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện mệt, khó thở, SpO2 (nồng độ ôxy máu mao mạch) chỉ còn 65% khi vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh sau 2 ngày ho, sốt. Tại đây, bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính Covid-19. Sau khi xử lý cấp cứu, tình trạng bệnh nhân tạm ổn, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã chuyển người bệnh sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 ở TP HCM.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng hội chẩn, quyết định đặt stent cho bệnh nhân Covid-19 khi xác định người này bị nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh: BVCC
Khi nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bệnh nhân này có biểu hiện suy hô hấp nặng, phải thở máy không xâm lấn (HFNC). 30 phút sau, tình trạng không diễn tiến tốt, bệnh nhân phải được đặt nội khí quản để thở máy xâm lấn.
Bên cạnh đó, chụp X-quang cho thấy phổi phải của bệnh nhân đã trắng xóa. Bệnh nhân đã lớn tuổi, có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường, thận mạn; các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Trong thời gian ngắn điều trị, các bác sĩ nhận định bệnh nhân này có nguy cơ cao mắc biến chứng tim mạch. Bệnh nhân đang hôn mê nên không thể khai thác bệnh sử cũng như các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ chỉ định đo điện tim, kiểm tra men tim.
"Kết quả đo điện tim biểu hiện không đặc hiệu nhưng chỉ số men tim tăng hơn 45.000 đơn vị (bình thường dưới 15 đơn vị), biểu hiện của nhồi máu cơ tim" - bác sĩ Phong giải thích.
Ngay lập tức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM liên hệ với chuyên Khoa Tim can thiệp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mời hội chẩn trực tiếp. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim, cần chụp mạch vành (DSA) để xác định chính xác vị trí thuyên tắc và đặt stent tái thông mạch máu khẩn cấp. Đây là phương án duy nhất để cứu sống người bệnh, nếu không đặt stent kịp thời thì có thể tử vong vì bệnh tim trước Covid-19.
Tuy nhiên, khi di chuyển giữa hai bệnh viện và trong quá trình can thiệp, bệnh nhân có thể tử vong. Do đó, bác sĩ của hai bệnh viện trực tiếp gặp người nhà để tư vấn, giải thích rất kỹ tình trạng bệnh, những tình huống có thể xảy ra với bệnh nhân.
Sau khi nhận được sự chấp thuận của người nhà, ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng lập tức chuẩn bị máy thở, xe cấp cứu, phương tiện hồi sức cấp cứu… để đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương một cách an toàn.
Qua 2 giờ, bệnh nhân được can thiệp đặt stent thành công, đưa trở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị. 10 ngày sau, bệnh nhân được rút nội khí quản, khoẻ mạnh, tỉnh táo và xuất viện.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bác sĩ Phong cho biết đây là ca nặng nhất ở thời điểm này. Bệnh viện đang điều trị cho 38 bệnh nhân Covid-19, chủ yếu là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, chưa tiêm đủ mũi vắc-xin.
Bình luận (0)