Bạn đọc NGỌC THỦY (ở TP HCM) hỏi: Tôi làm công việc văn phòng nhiều năm, giờ giấc hành chính và luôn chăm chút lối sống sinh hoạt của mình sao cho phù hợp, khoa học. Gần đây, không hiểu sao cổ tay hay bị đau, đặc biệt là tay thuận. Có phải tôi bị hội chứng ống cổ tay?
ThS-BS NGUYỄN VĂN MỸ ANH trả lời: Khi đau cổ tay, chúng ta thường hay nhắc đến hội chứng ống cổ tay. Ngoài ra, còn có bệnh viêm bao gân gấp, xuất phát từ ngón tay, có thể viêm lan đến ống cổ tay. Tuy nhiên, viêm bao gân gấp hiếm gặp hơn.
Trong hội chứng ống cổ tay, có 2 nhóm nguyên nhân, nhóm nguyên nhân rõ ràng và những yếu tố thuận lợi (những người hay gặp bệnh này). Hội chứng ống cổ tay có thể gặp ở người đi xe máy nhiều giờ trong ngày, người làm việc nội trợ, nhân viên văn phòng sử dụng máy tính...
Điều trị hội chứng ống cổ tay chia ra 2 nhóm phương pháp là bảo tồn và phẫu thuật. Đối với phương pháp bảo tồn, bệnh nhân uống thuốc kháng viêm và tập vật lý trị liệu để mềm ống cổ tay, đỡ bị chèn ép. Bệnh nhân sẽ dùng thuốc để tăng sự dẫn truyền của thần kinh, thông thường là nhóm vitamin B12 liều cao. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định chích kháng viêm tại chỗ ở ống cổ tay. Việc này còn tùy theo quan điểm của bác sĩ điều trị, có bác sĩ lựa chọn không chích.
Khi điều trị bảo tồn không giảm, trường hợp nặng nhất là teo cơ ở mức độ nặng thì phẫu thuật.
Để tránh hội chứng ống cổ tay, hoàn toàn sẽ rất khó khăn, đặc biệt ở Việt Nam, khi việc đi lại bằng xe máy là yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực lên cổ tay mỗi ngày. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân là do thói quen. Một số người có thói quen nằm kê tay nhiều kiểu khác nhau, đó cũng là nguyên nhân gây áp lực cổ tay. Có thể tránh các thói quen này.
Chúng ta có thể tập các động tác cổ tay để tăng sự dẻo dai cho khớp và giảm sự chèn ép ở ống cổ tay.
Bình luận (0)