Chuyên gia ung thư hàng đầu của Anh – giáo sư Mel Greaves của Viện Nghiên cứu Ung thư (London, Anh) - vừa tiết lộ với báo giới những phát hiện bất ngờ trong nghiên cứu nhằm kéo giảm tỉ lệ ung thư bạch cầu mà ông đã thực hiện nhiều năm qua.
Trẻ cần được tiếp xúc với trẻ khác, môi trường khác ví dụ như đi học mẫu giáo để hệ miễn dịch không gặp phải trục trặc - ảnh: SHUTTERSTOCK
Giáo sư Greaves phân tích về "chuỗi sự kiện chết người" xảy ra do sai lầm trong quan niệm chăm sóc trẻ. Khởi nguồn của chuỗi sự kiện là việc nhiều đứa trẻ hiện đại bị cha mẹ giữ kỹ trong một căn nhà sạch sẽ quá mức, thiếu cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn, virus… bao gồm cả các virus tương đối vô hại như virus gây bệnh cảm cúm thông thường.
Trong khi, trẻ em lại cần tiếp xúc với các vi sinh vật có hại vừa đủ để hệ thống miễn dịch được khởi động, luyện tập và bắt đầu hoạt động trơn tru.
Vì vậy, hệ miễn dịch của những đứa trẻ bị nhốt trong căn nhà quá sạch bắt đầu bị rối loạn vì thất nghiệp. Từ đó, trục trặc trong việc sản sinh các tế bào bạch cầu theo lượng phù hợp với nhu cầu cơ thể. Và bệnh ung thư bạch cầu, loại ung thư máu còn được biết đến dưới tên bệnh máu trắng hay bệnh bạch cầu, được kích hoạt.
Đó là một phần kết quả thu thập được trong nghiên cứu cá nhân mà giáo sư Greaves đã thực hiện suốt 30 năm qua. Ông cho rằng đó là một "nghịch lý của sự tiến bộ trong xã hội hiện tại", trong đó sự sạch sẽ vô tình gây ra một hậu quả đáng sợ.
Nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết các trường hợp ung thư bạch cầu ở trẻ em có thể phòng tránh được, qua việc giữ cho hệ miễn dịch của bé được hoạt động bình thường, trơn tru. Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến ung thư bạch cầu như bức xạ ion hóa, sóng điện từ, hóa chất… tuy nhiên tỉ lệ thấp hơn nhiều so với ung thư từ việc hệ miễn dịch bị trục trặc.
Giáo sư Greaves khuyên phụ huynh những cách hết sức đơn giản để ngăn ngừa loại ung thư nguy hiểm này: hãy cho trẻ chơi ngoài vườn, ngoài trời, cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác ở trường mầm non, cho con bú trong những tháng năm đầu đời và đừng bao giờ ám ảnh quá mức với việc dọn dẹp nhà cửa.
Riêng việc cho trẻ đi học mẫu giáo thay vì giữ chặt trong nhà đã giúp giảm nguy cơ bệnh bạch cầu đến 30%!
Bình luận về nghiên cứu trên, giáo sư Paul Workman, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Ung thư, cho biết: "Công trình đã bác bỏ những huyền thoại về bệnh bạch cầu ở trẻ em và lần đầu tiên đặt ra một lý thuyết thống nhất cho hầu hết các ca bệnh". Những "huyền thoại" mà giáo sư Workman nói đến chính là bức xạ và ô nhiễm, vốn bị đổ lỗi cho toàn bộ các ca bệnh bạch cầu dù chưa được khẳng định bằng các bằng chứng khoa học rõ ràng.
Nghiên cứu của giáo sư Mel Greaves vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Reviews Cancer.
Bình luận (0)