Các bác sĩ Khoa nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai bị tổn thương mũi do người mẹ lấy nhầm chai cồn 90 độ để rửa mũi cho con.
Rửa mũi cho trẻ - Ảnh minh họa
Đó là bé trai Đ.G.P. (1 tuổi, ở Hà Nội). Theo lời người mẹ, do con bị viêm mũi họng nên trước khi đi ngủ đã được mẹ rửa mũi họng. Tuy nhiên, sau khi bơm khoảng 20 ml cồn 90 độ từ xi-lanh vào mũi con, thấy con quấy khóc nhiều, nước chảy ra tay lạnh và ngửi thấy mùi cồn, người mẹ mới hốt hoảng phát hiện ra sự nhầm lẫn này. Chị vội vàng rửa mũi cho con bằng nước muối và đưa vào viện. Tại đây bác sĩ xác định bé P. bị tổn thương niêm mạc mũi, niêm mạc hai mũi đỏ, trẻ quấy khóc nhiều.
Trước đó, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng từng tiếp nhận một trẻ 28 tháng tuổi, ở Hà Nội, được gia đình đưa vào Khoa Nhi trong tình trạng chảy nước mũi nhiều do bị rửa mũi bằng cồn thay vì nước muối. Mẹ bệnh nhi này cho biết do con có tiền sử hen phế quản, viêm mũi dị ứng nên từ nhỏ thường xuyên được rửa mũi bằng xi-lanh. Người mẹ này thường lấy nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% từ chai 500 ml vào thẳng xi-lanh và bơm rửa mũi cho trẻ. Tuy nhiên, do bất cẩn đã lấy nhầm chai cồn 90 độ.
Hình dáng bên ngoài của chai cồn 90 độ và nước muối khá giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn nếu không chú ý
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa nhi, BV Bạch Mai, việc nhỏ nhầm cồn vào mũi trẻ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng, kích thích niêm mạc mũi làm nước mũi chảy nhiều hơn. Trường hợp nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi bởi cồn 90 độ rất nóng, trong khi niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng.
Hàng năm, Khoa Nhi vẫn tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ bị nhỏ nhầm cồn vào mũi do sự bất cẩn của người lớn.
Bình luận (0)