Trước câu hỏi của báo giới về mức độ nghiêm trọng của vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, ông Cường đều từ chối trả lời. Ông chỉ khẳng định đó là hành vi phạm quy chế, y đức và cho biết sẽ xử lý nghiêm sau khi có kết quả điều tra từ cơ quan công an.
Trả lời câu hỏi sau 2,5 tháng nhận được đơn tố cáo nhưng Sở Y tế Hà Nội vẫn không có “động tĩnh” gì xử lý cán bộ, ông Cường cho biết từ ngày 5-6, cơ quan công an đã vào cuộc, tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, mọi xử lý của Sở sẽ đợi kết luận của công an. Đối với lãnh đạo, cá nhân sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
“Giám đốc BV, Ban giám đốc trước hết phải chịu trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại BV, không thể có chuyện “không biết”. Việc một kết quả xét nghiệm được “nhân bản” cho 2-5 người khác là vi phạm không thể chấp nhận được, đây là hành vi giả mạo kết quả xét nghiệm, không phải sai sót chuyên môn” - ông Cường khẳng định. Ông Cường cũng cho biết các phòng ban của Sở vẫn kiểm tra thường kỳ đối với BV Hoài Đức nhưng chưa bao giờ phát hiện ra sai phạm.
Sáng ngày 7-8, ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa huyện Hoài Đức, không có mặt tại cơ quan. Người đứng ra trả lời báo chí là bác sĩ Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc bệnh viện.
Theo bà Nhiên, sáng ngày 7-8, Ban giám đốc bệnh viện đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với Trưởng khoa Xét nghiệm Vương Thị Kim Thành và kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh để làm rõ các thông tin liên quan. 2 người này vẫn thực hiện các công việc chuyên môn tại khoa.
Do số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện là 200 - 300 người/ngày nên mọi hoạt động trong Khoa Xét nghiệm nói riêng và cả bệnh viện nói chung đều được củng cố, duy trì bình thường.
Trả lời câu hỏi về việc lãnh đạo bệnh viện có biết chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở khoa Xét nghiệm hay không, bà Nhiên cho biết đến tháng 5-2013 mới có đơn thư tố cáo, bản thân bà không biết ai ký trong đơn, cả ban giám đốc cũng không biết thông tin gì về sự việc này cho đến khi thanh tra Sở Y tế xuống thông báo có đơn thư tố cáo. “Trong các cuộc họp giao ban hàng ngày của bệnh viện không có ai phản ánh sự việc cả”- bà Nhiên khẳng định. Về việc người tố cáo có bị trù dập hay không, bà Nhiên cũng nói “chưa nghe thông tin gì”.
Khi được hỏi về nhiều vấn đề khác như số lượng hóa chất sử dụng trong ngày, lượng bệnh nhân bảo hiểm y tế, thời điểm mượn máy xét nghiệm của công ty dược đặt trong bệnh viện, …, bà Nhiên đều từ chối trả lời với lý do “không nắm được thông tin” và cho biết mọi chuyện đều phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người đã làm đơn tố cáo sự việc
Trước đó, theo đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt (cán bộ Khoa Xét nghiệm, BV Đa khoa Hoài Đức), sự việc một kết quả xét nghiệm máu được “nhân bản” cho 2-5 bệnh nhân diễn ra từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013 tại Khoa Xét nghiệm.
Theo thống kê chưa chính xác, có khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm được dùng chung, số bệnh nhân có chung xét nghiệm có thể lên đến 2.000 người. Có nhiều xét nghiệm máu của bệnh nhân 70-80 tuổi được dùng cho bệnh nhân mới 2-3 tuổi. Đồng thời, nhiều nhân viên không có kinh nghiệm, bằng cấp cũng đứng ra ký giấy xét nghiệm. Các sai phạm này cũng xảy ra ở phòng xét nghiệm bằng máy xã hội hóa do bệnh viện “mượn” từ Công ty tư nhân. Giám đốc bệnh viện đã chia cán bộ xét nghiệm thành 2 bộ phận. Bộ phận nội trú gồm 3 cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư, chủ yếu ngồi chơi vì không có viêc làm. Trung bình một ngày, họ thực hiện xét nghiệm cho 3-20 bệnh nhân. Trong khi đó, bộ phận ngoại trú gồm Trưởng khoa và 4 nhân viên hợp đồng, 1 nhân viên là y tá chưa hết tập sự, phụ trách máy móc tư nhân lại làm không hết việc. Trung bình mỗi ngày, bộ phận này làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000 - 2.000 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số xét nghiệm sinh hóa, máu..., chiếm tỉ lệ hơn 97% công việc của khoa. Đại đa số là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. “Chủ trương xét nghiệm sinh hóa máu cho tất cả những bệnh nhân là do Giám đốc BV yêu cầu trong nhiều cuộc họp giao ban, những bác sĩ nào không chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân đều bị nhắc nhở”- chị Nguyệt nói. Theo chị Nguyệt, lượng bệnh nhân quá đông nên mới dẫn đến chuyện trả kết quả xét nghiệm khống. Một bệnh nhân đến, làm xét nghiệm, sau đó kết quả này được in lại ra thật nhiều mẫu. Khi một bệnh nhân khác đến khám, nhân viên không cần đưa máu vào làm xét nghiệm mà vẫn có kết quả để trả cho bệnh nhân. Theo chị Nguyệt mục đích của việc làm này móc túi, bòn rút tiền bảo hiểm, làm hài lòng giả tạo người bệnh. Là người có 25-26 năm công tác trong nghề, chị Nguyệt tỏ ra rất bức xúc trước cách làm việc này. “Nhiều bệnh nhân cũng kêu ca là kết quả xét nghiệm không chính xác, cảm thấy cơ thể họ không như thế và khám ở đây không chính xác. Thậm chí có sản phụ trước đó kết quả xét nghiệm ở một BV trung ương là dương tính với viêm gan B nhưng tại BV này kết quả lại là âm tính. Khi bệnh nhân này thắc mắc, BV xét nghiệm lại và kết quả là dướng tính”- chị Nguyệt nói. |
Bình luận (0)