Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP HCM), cho biết vai trò của người thân đối với phụ nữ sau sinh rất quan trọng. Nếu được người thân phát hiện sớm những bất ổn về tâm lý thì sẽ tận dụng được thời gian "vàng" điều trị.
"Sát thủ" thầm lặng
Hai vụ việc thương tâm xảy ra cùng ngày mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022 (5-2). Vụ việc đầu tiên được phát hiện khi anh L.Q.B (31 tuổi, quê Sóc Trăng) phát hiện vợ mình tử vong trong tư thế treo cổ ngay tại phòng trọ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM). Sau đó, anh phát hiện con gái 7 tháng tuổi tử vong trong máy giặt. Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, vợ anh có dấu hiệu trầm cảm.
Cùng ngày, tại tỉnh Hà Tĩnh, bé trai 2 tháng tuổi được phát hiện đã tử vong tại nhà, tiếp đó phát hiện người mẹ trong tình trạng hoảng loạn. Nguyên nhân cũng được cho là do người phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, hai vụ việc trên không phải lần đầu tiên xảy ra, trước đó không ít trường hợp tương tự được phát hiện. Nguyên nhân gây ra chính là "sát thủ" thầm lặng - căn bệnh trầm cảm sau sinh. Thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh là khoảng 10%-20%, ở Việt Nam ghi nhận lên tới 33%.
"Trầm cảm sau sinh hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị nếu phát hiện trễ mà còn suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh" - thạc sĩ Ngọc Diệp nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết hiện tại vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Sự tụt giảm đột ngột hormone sinh dục oestrogen và progesterone được cho là một trong những nguyên nhân khiến xuất hiện tình trạng này. Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA), trầm cảm sau sinh thường xuất hiện trong vòng 4 tuần sau sinh. Tỉ lệ dao động từ 8%-15%, tùy theo thống kê tại các quốc gia khác nhau.
Các mức độ trầm cảm khá đa dạng dưới nhiều biểu hiện như thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt. Đây là một dạng trầm cảm sau sinh nhẹ và thoáng qua, thường chỉ kéo dài 1-2 tuần (đa số bà mẹ tự vượt qua). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trầm cảm ở mức độ nặng hơn cần phải có sự can thiệp về y khoa từ tư vấn tâm lý đến dùng thuốc chống trầm cảm. Có trường hợp trầm cảm sau sinh tiềm ẩn từ thời kỳ mang thai.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, đang thăm khám, tư vấn cho một trường hợp mắc bệnh trầm cảm. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)
Tầm soát trầm cảm
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho hay có nhiều dấu hiệu có thể nhận biết sớm trầm cảm sau sinh như: cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ, buồn bã cả ngày; cảm giác khó thở như bị đè chặt, lo lắng quá mức với các biểu hiện bất an, giảm trí nhớ, kém tập trung; hay khóc với những lý do nhỏ nhặt, rối loạn giấc ngủ; chán ăn, cảm giác kiệt sức.
"Nếu có từ 3-5 triệu chứng như đã nêu trở lên thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay. Nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ thì phải cấp cứu về tâm thần, can thiệp y khoa khẩn cấp" - bác sĩ Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, một số nguy cơ khác có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh là có tiền sử bị trầm cảm; bị biến cố tâm lý trước ngày sinh (mất người thân, mất việc làm, bạo hành gia đình…); có tiền sử lạm dụng rượu hoặc ma túy. Các yếu tố thúc đẩy trầm cảm bao gồm những khó khăn về kinh tế, có thai ngoài ý muốn, mang thai và sinh không có thân nhân, bạn bè.
"Thực tế cho thấy không ít phụ nữ sau sinh thường cảm thấy tự ti, mặc cảm về ngoại hình không còn được như trước khi sinh, tâm trạng này không được hóa giải lâu dần cũng khiến dẫn đến trầm cảm" - thạc sĩ Ngọc Diệp bổ sung.
Bác sĩ Hiển khuyến cáo: Trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm tỉ lệ khá cao với nhiều mức độ khác nhau, do vậy cần thực hiện tầm soát tình trạng trầm cảm với các bà mẹ khi trẻ được 1, 2 và 4 tháng tuổi.
Bình luận (0)