Tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 9-9, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, dành nhiều thời gian thông tin về việc thực hiện chế độ, chính sách chăm lo cho lực lượng nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch.
Bác sĩ Châu cho biết chính sách chăm lo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là vấn đề thông suốt ngay từ đầu có dịch. Trung ương đã có 2 nghị quyết về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Song song đó, TP HCM cũng có Nghị quyết 02 của HĐND TP, thông qua chế độ hỗ trợ tiền ăn cho tuyến đầu 120.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, TP HCM cũng quan tâm chu đáo chế độ lưu trú với mức phụ cấp cấp 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Đối với cơ sở công lập chuyển đổi công năng một phần hoặc hoàn toàn, khi chuyển đổi công năng thì quay lại chế độ hưởng lương nhà nước, bảo đảm tinh thần không giảm so với thu nhập năm 2020. Bên cạnh đó, nhân viên tình nguyện đến bệnh viện dã chiến, nơi cách ly điều trị được hưởng chế độ như lực lượng điều trị tại bệnh viện.
Gần đây, Nghị quyết 12 của HĐND TP HCM có quy định mức hỗ trợ cho tuyến đầu từ 1,5 triệu/người đến 10 triệu/người tùy vào tính chất công việc tham gia. Hiện nay, một số đơn vị đã thực hiện như Bình Dân, Nhi Đồng 1, Nhiệt Đới, Bệnh viện quận 4…; các bệnh viện còn lại đang lập danh sách để chi trả cho nhân viên.
Ngoài chính sách của nhà nước, trong thời gian qua còn nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm.
Bác sĩ Châu cho hay từ đầu tháng 8, một số bệnh viện tư cũng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế TP HCM đã hỗ trợ về trang thiết bị cho các bệnh viện này, như cung cấp hệ thống bồn oxy lỏng khoảng 10 tấn tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An; cung cấp bồn oxy lỏng 5 tấn, máy thở, máy HFNC cho một số bệnh viện, như Xuyên Á...
Bên cạnh đó, nhiều phòng khám tư nhân đã tham gia tiêm vắc-xin của TP HCM. Sắp tới, TP sẽ củng cố hệ thống y tế cộng đồng, đảm bảo chăm sóc tốt cho F0 tại cộng đồng. Chúng ta thực hiện phương châm sống khỏe trong môi trường có dịch, mỗi phường - xã là một pháo đài chống dịch.
Liên quan vấn đề chi trả cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Châu nói theo luật hiện hành, tất cả bệnh nhân đều được miễn phí điều trị, do ngân sách nhà nước chi trả. Với bệnh nhân trong quá trình điều trị có bệnh nền, nếu có bảo hiểm y tế thì sẽ do cơ quan này chi trả.
Theo bác sĩ Châu, vừa qua, UBND TP HCM đã có văn bản đề xuất chi trả chi phí điều trị của các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 trên địa bàn TP, chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính có ý kiến. Trong chiều 9-9, Thành ủy TP HCM cũng có cuộc họp thông qua cơ chế tài chính cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP.
Nhiều doanh nghiệp cung ứng suất ăn phải đóng cửa vì dịch bệnh
Cũng tại buổi họp báo, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, cho biết đơn vị này đã có kế hoạch kiểm tra các đơn vị cung ứng suất ăn phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Theo bà Phong Lan, TP HCM có 218 doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng suất ăn cho khu cách ly, khối điều trị, bệnh viện dã chiến trên địa bàn. với mỗi dtrên 1.000 suất. Tuy nhiên, sau các đợt dịch Covid-19, do thiếu nguồn nguyên liệu, không đủ chi phí để bảo đảm "3 tại chỗ" nên một số doanh nghiệp đã đóng cửa. Trước tình hình trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đã phối hợp cùng Sở Công thương lập danh sách các đơn vị có thể cung cấp suất ăn thay thế.
Bà Lan thông tin thêm qua khảo sát 60 bệnh viện, ghi nhận có 36 bệnh viện hài lòng về suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, 19 bệnh viện đánh giá bình thường và 5 bệnh viện không hài lòng (chủ yếu tập trung vào khẩu vị, thức ăn nguội). Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đang có một số biện pháp chấn chỉnh nhằm bảo đảm bữa ăn đủ chất, đủ lượng cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Bình luận (0)