Đợt nắng nóng kéo dài suốt 2 tuần qua ở nhiều tỉnh, thành không chỉ khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn mà còn tác động không nhỏ đến sức khỏe nhiều người. Những ngày qua, các bệnh viện (BV) lại rơi vào tình trạng quá tải khi lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, nhất là các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, viêm não.
Viêm não, virus tấn công trẻ nhỏ
Sáng 25-5, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng tại phòng khám Khoa Nhi BV Bạch Mai vẫn rất đông bệnh nhân chờ khám. Bế con trai 4 tháng tuổi rưỡi chờ khám, chị Phạm Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết khoảng 1 tuần trước, bé Tuấn Minh đã có dấu hiệu của viêm phế quản vì ho nhiều, chảy mũi. “Dù đã khám và bác sĩ cho uống kháng sinh được 3 ngày nhưng bệnh không đỡ. Cả đêm, cháu quấy khóc, ho nhiều lại bỏ bú nên gia đình đưa cháu đến BV dù rất sợ vào đây con có nguy cơ mắc sởi” - chị Mai lo lắng.
Tại phòng khám bệnh, anh Vũ Văn Quân - ở chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai - cho biết cô con gái 2 tuổi của anh rất “nhạy” với thời tiết, chỉ cần nóng quá hay lạnh quá là đổ bệnh. “Mấy tuần nay, cháu được nghỉ học ở nhà để “tránh nóng” nhưng tối qua, cháu bỗng sốt cao, phát ban, đau họng lại kèm theo nôn, gia đình sợ con bị viêm não nên sáng sớm đã vội đưa đến BV khám” - anh Quân nói.
Bác sĩ Trương Văn Quý, Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết chỉ trong gần 3 giờ buổi sáng 25-5 đã có khoảng 40 trẻ được gia đình đưa đến khám. Nắng nóng gay gắt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng khiến trẻ dễ đổ bệnh. Ngoài các bệnh viêm đường hô hấp, viêm da, sốt virus, viêm não thì nắng nóng, oi bức kéo dài cũng khiến các bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn, virus ở trẻ tăng cao. Theo bác sĩ Quý, tháng 5 và 6 được xem là thời điểm bắt đầu vào “mùa” viêm não.
Để tránh nắng, nhiều gia đình chọn giải pháp cho con “trốn biệt” trong phòng máy lạnh và đến cuối buổi chiều đến hồ bơi trầm mình trong nước nhiều giờ để giải nhiệt. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc lạm dụng các biện pháp “giải nhiệt” này rất dễ sinh bệnh, nhất là đối với trẻ. Theo bác sĩ Vũ Hữu Thời, Khoa Nhi BV Bạch Mai, trong những ngày qua, số trẻ em nhập viện vì các chứng cảm, sổ mũi, viêm họng cũng tăng cao…, trong đó có nhiều trẻ viêm họng do uống nhiều nước đá.
Theo thống kê tại BV Nhi trung ương, những ngày qua, trung bình có gần 2.000 trẻ được đưa đến khám mỗi ngày, còn tại BV Bạch Mai cũng tiếp nhận khoảng 200 trẻ/ngày.
Đột quỵ rình rập người lớn
Trong khi đó, người lớn dù có sức đề kháng tốt hơn nhưng cũng không tránh khỏi tác động của đợt nắng nóng gay gắt, không khí oi bức, ngột ngạt suốt 2 tuần qua. Chị Nguyễn Việt Anh - 32 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết hậu quả của đợt nắng “như thiêu như đốt” là chị đã phải nhập viện truyền nước vào cuối tuần qua. Theo chị Việt Anh, có lẽ do sức chịu đựng của cơ thể có hạn nên trong lúc đi đến điểm chờ xe buýt, chị bị choáng, ngã quỵ ngay trên đường.
Tại BV Lão khoa trung ương, thời tiết nóng khiến số bệnh nhân tới khám, nhất là người già, tăng khoảng 30% so với trước đó 2 tuần. Bác sĩ Nguyễn Văn Long (Khoa Khám bệnh) cho hay nhiệt độ môi trường tăng cao dễ dẫn tới các bệnh tăng huyết áp, tim mạch ở người cao tuổi. Nóng quá hoặc lạnh quá đều tác động xấu tới huyết áp khiến bệnh mạch vành, cao huyết áp hoặc người bệnh sau can thiệp, bị van tim, suy tim… dễ trở bệnh nặng hơn. Bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường… sẽ còn gia tăng nếu nhiệt độ tiếp tục duy trì ở mức 38-42 độ C. “Đáng lưu ý, nhiệt độ cao khiến cơ thể đuối sức là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đột quỵ tăng nhanh trong mùa hè.
Huế, Quảng Trị: Bệnh tăng, nước khan hiếm
Ngày 25-5, nhiệt độ tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vẫn khá cao, từ sáng sớm đã lên tới 38 độ C. Càng về trưa, nhiệt độ càng cao, có nơi lên đến trên 40 độ C. Thời tiết nắng nóng, oi bức nên cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn.
Tại TP Huế, càng về trưa, các tuyến phố càng vắng người. Trong khi đó, nhiều người chọn khu vực các công viên dọc sông Hương nghỉ trưa; nhiều học sinh, sinh viên lại chọn siêu thị, nhà sách để trốn nóng. Vào buổi chiều, dọc bãi biển Thuận An, Vinh Thanh, Lăng Cô... có hàng ngàn người kéo đến tắm.
Theo Trung tâm Nhi khoa BV Trung ương Huế, trong vòng một tuần qua, bình quân mỗi ngày có 300-350 bệnh nhi đến khám. Riêng số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây cũng dao động từ 300-350 cháu trong khi giường bệnh chỉ có 200. Số lượng bệnh nhi khám và điều trị tại trung tâm tăng gần 2 lần so với những ngày trước.
Tại tỉnh Quảng Trị, nắng nóng kèm gió lào thổi mạnh khiến sản xuất nông nghiệp khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Tẩn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, cho biết tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích lớn cây cà phê ở các xã như Hướng Phùng, Hướng Lập, thị trấn Khe Sanh... Những cây trồng như lúa, sắn, hoa màu cũng do khô hạn mà chết nhiều. Còn tại xã A Xing, trong 3 tuần nay trời không mưa khiến cuộc sống người dân nơi đây lao đao. Ông Hồ Văn Xia, Bí thư Đảng ủy xã A Xing, cho biết các khe suối tại xã này đều trơ đáy.
Q.Nhật
Nghệ An, Hà Tĩnh: Nóng 39-40 độ C
Tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong các ngày 14 đến 25-5, nắng nóng gay gắt, nhiều nơi như huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông, TP Vinh (Nghệ An), TP Hà Tĩnh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ ngoài trời phổ biến từ 39-40 độ C, cá biệt có một số nơi nhiệt độ trên 40 độ C như khu vực huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An), huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Nắng nóng kết hợp với gió lào thổi mạnh khiến mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Từ ngày 21 đến 24-5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra 7 vụ cháy khiến mấy chục hecta rừng bị thiêu rụi, một cơ sở làng nghề sản xuất ngói ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị lửa tàn phá gây thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng. Nắng nóng còn gây ra hậu quả đau lòng khác, đó là nhiều em bị đuối nước khi đi tắm sông, biển. Cụ thể, trong 2 ngày 22 và 23-5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xảy ra 2 vụ đuối nước, mỗi nơi có 2 học sinh tử vong.
Nắng nóng khiến số lượng người già, trẻ em nhập viện gia tăng. Ông Trần Văn Cương, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Nghệ An, cho biết: “Trong những ngày nắng nóng trong tháng 5-2014, bình quân mỗi ngày BV này khám chữa bệnh cho từ 500-700 trẻ em”. Các loại bệnh trẻ rất thường mắc là sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não… Do đó, trời nắng nóng nên cho trẻ uống nhiều nước, cẩn thận khi cho trẻ nằm trong phòng máy lạnh vì dễ bị các bệnh đường hô hấp.
Để tránh nóng, người dân tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã đổ xô đến các bãi biển như Cửa Lò, Diễn Thành, Cửa Hội (Nghệ An), Xuân Thành, Thiên Cầm (Hà Tĩnh). Hằng ngày, từ 16 giờ trở đi, các bãi biển trên luôn đông nghịt người.
Đ.Ngọc
Bình luận (0)