Bệnh nhân là anh N.V.T. (39 tuổi, ở Tây nguyên), làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà.
Anh T. có thói quen xông nhà mới xây bằng thuốc xông dạng bột, đôi khi là cây cỏ kèm theo xác ve sầu có rắc bột màu đỏ hoặc vàng suốt hàng chục năm qua. Suốt 1 năm qua, anh T. đổ bệnh và dù đã điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau thậm chí qua Singapore nhưng anh vẫn thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay ngày càng yếu, không thể di chuyển.
Bàn tay hóa sừng của bệnh nhân trước điều trị
Vừa qua, anh T. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cấp cứu trong tình trạng nguy cấp. Tại đây, các bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh nặng, nguy cơ tử vong vì có dấu hiệu của nhiễm trùng, xơ gan, nguy cơ xuất huyết do giảm tiểu cầu, suy dinh dưỡng nặng. Qua xét nghiệm máu, nước tiểu, tóc, móng, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thạch tín, nồng độ Asen trong tóc, móng cao hơn từ 300 - 500 lần so với thông thường.
Tại Việt Nam, nguồn thuốc điều trị bệnh này khan hiếm, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital ở Đài Loan điều trị thông qua sự hợp tác trao đổi về chuyên môn qua lại giữa hai bệnh viện. Sau một tháng, nhờ điều trị đặc hiệu bằng chelation, tập phục hồi chức năng mỗi ngày, điều trị tốt bệnh nền, cắt đứt nguồn phơi nhiễm, người bệnh có thể tự đi lại được mà không cần dụng cụ hỗ trợ, sang thương da giảm rõ rệt.
Nhiễm độc thạch tín là rất hiếm
Theo TS-BS. Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược, thạch tín có 2 loại vô cơ và hữu cơ. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được công nhận là các chất gây ung thư nhóm một. "Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân." - BS Ngọc thông tin.
Bình luận (0)