Hiện Việt Nam có hơn 250.000 người nhiễm HIV/AIDS và mỗi năm ghi nhận thêm khoảng 10.000 người nhiễm mới.
Điều trị ARV, khỏe mạnh tới cuối đời
Phát hiện nhiễm HIV cách đây 4 năm và đều đặn hằng tháng, chị H.V.T (32 tuổi) đều đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội) để khám, lấy thuốc kháng virus (ARV). Chị T. kể chị phát hiện nhiễm HIV khi "mầm sống" của chị được 20 tuần tuổi. Đau khổ, tuyệt vọng nhưng T. vẫn muốn giữ lại thai nhi. Chị cầu xin sự giúp đỡ của các bác sĩ để đứa bé sinh ra thoát khỏi căn bệnh thế kỷ.
Tìm đến Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa Đống Đa, người mẹ trẻ được giải tỏa gánh nặng tâm lý, được tư vấn dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, hướng dẫn chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ… Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 3,2 kg và điều hạnh phúc hơn hết là kết quả xét nghiệm khẳng định bé không bị nhiễm HIV. Các bác sĩ nhận xét kết quả điều trị của chị T. cũng rất tốt, do tuân thủ điều trị nên tải lượng virus trong máu luôn ở dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân không thể lây truyền nhiễm HIV sang người khác qua đường quan hệ tình dục, từ mẹ sang con mà lại bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, thống kê ước tính Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV hiện còn sống nhưng chỉ có khoảng gần 200.000 người nhiễm HIV (khoảng 80%) biết được tình trạng của mình. Như vậy vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. "Họ sẽ có thể vô tình là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng" - PGS Long lo ngại.
Cũng theo ông Long, mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam đã đưa ra một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng ARV với người nhiễm HIV là "K=K" (nghĩa là Không phát hiện = Không lây truyền). Theo đó, bằng cách ức chế virus HIV trong máu khi điều trị ARV hằng ngày, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống chung an toàn mà không lo lây nhiễm cho bạn tình. "Thông điệp này mang lại hy vọng và thay đổi cuộc đời của những người "sống chung với H" cũng như bạn bè và gia đình của họ khi hiểu rằng tiếp cận điều trị ARV sớm, duy trì điều trị và duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp họ có thể sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn, có thể sinh con và không bao giờ phải lo sợ về lây truyền HIV cho bạn tình" - PGS Long nhấn mạnh.
Khẳng định về hiệu quả của thuốc ARV, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết bệnh nhân có HIV không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc những căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp... Người nhiễm HIV nếu được điều trị ARV, có thể sống đến cuối đời và ra đi vì các căn bệnh tuổi già chứ không phải do HIV.
Người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có cuộc sống như bình thường nếu điều trị bằng thuốc ARV
Bảo mật thông tin người đi khám
Bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết hiện việc điều trị bằng thuốc ARV đã được mở rộng tới tất cả tỉnh, thành trong toàn quốc với 429 cơ sở điều trị và 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV đang được các dự án cấp miễn phí nhưng từ năm 2019 sẽ được cấp thông qua hệ thống BHYT tại các cơ sở y tế. Đến thời điểm này, gần 90% người nhiễm HIV/AIDS đã có thẻ BHYT. Theo phác đồ điều trị mới, việc điều trị thuốc ARV đã được chỉ định ngay cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng hiện mới chỉ có 131.600 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (khoảng 70%) trong số người được chẩn đoán nhiễm HIV. Vậy là vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị bằng ARV.
Trước những lo ngại về tình trạng người nhiễm HIV sẽ bỏ điều trị do sợ lộ danh tính khi dùng thẻ BHYT và bị kỳ thị, PGS Nguyễn Hoàng Long thông tin Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS bình thường hóa khám chữa bệnh BHYT như các bệnh khác; không có sự phân biệt những người nhiễm HIV điều trị ARV. Ngay cả người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu cũng được giải quyết thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
"Người có H sẽ khám chung luồng bệnh nhân, không có sự tách biệt riêng cho những người bị nhiễm HIV. Ngoài ra, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng yêu cầu giữ bí mật thông tin để người bệnh yên tâm điều trị. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn tài chính, nguồn dự án để hỗ trợ người nhiễm HIV đồng chi trả" - ông Long khẳng định.
Nhiều người có HIV bị kỳ thị kép
Ông Nguyễn Anh Phong, Trưởng nhóm mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+), cho biết nhìn chung, mọi người đang nhìn người bị nhiễm HIV khá tiêu cực, nhất là những trường hợp đồng tính nam có HIV còn phải chịu đựng sự "kỳ thị kép". Do đó, để giảm kỳ thị và cũng giúp những người có HIV cảm thấy môi trường y tế an toàn, thân thiện để họ tìm đến điều trị, mới đây nhóm VNP+ đã tổ chức những buổi gặp gỡ giữa nhân viên y tế và những người có HIV để hai bên cùng chia sẻ nhằm hiểu nhau hơn, giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.
Bình luận (0)