Gần đây, xu hướng sử dụng kính áp tròng của những người có tật khúc xạ ở mắt ngày càng trở nên phổ biến. Theo chuyên viên Trần Hoài Long, Bệnh viện Mắt TPHCM, hiện nay có 3 cách điều chỉnh tật khúc xạ là đeo kính gọng, đeo kính áp tròng và phẫu thuật khúc xạ. Trong đó, phẫu thuật khúc xạ là phương pháp mới, hiệu quả và thành công nhất nhưng do hạn chế về kinh phí nên còn ít người lựa chọn. Hiện nay, đeo kính áp tròng là cách chọn lựa phổ biến ở người có khuyết tật về mắt.
Đa dạng kính áp tròng
Có hai loại kính áp tròng sử dụng thông dụng là kính cứng và mềm. Tại VN, việc sử dụng kính này còn tương đối khá mới mẻ, được du nhập vài năm gần đây và chủ yếu là kính mềm, loại kính phải tháo ra khi ngủ. Ưu điểm của kính áp tròng là giúp bệnh nhân có hình ảnh trung thực, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện cho các hoạt động thể thao, nghệ thuật. Ngoài ra, nó cũng có thể khắc phục những khuyết điểm mà kính gọng gặp phải như mất thẩm mỹ (đối với tật khúc xạ nặng), giới hạn tầm nhìn, biến dạng không gian cảnh vật, bất đồng khúc xạ quá nặng (chênh lệch độ giữa hai mắt), đối tượng sử dụng... Hiện kính áp tròng trên thị trường chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ gồm nhiều chủng loại, màu sắc (23 màu), thời gian sử dụng tùy thuộc vào từng loại như kính dùng 1 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 1 năm... Chi phí cũng khác nhau từ 30.000 đồng/cặp - 900.000 đồng/cặp...
Dễ viêm loét giác mạc
Cách dùng kính áp tròng cũng khá đơn giản, tuy nhiên, chuyên viên Trần Hoài Long khuyến cáo phải cẩn trọng. Khi có nhu cầu đeo kính, người bệnh được bác sĩ chuyên khoa tiến hành chẩn khám (chừng 1 giờ) để xác định các thông số về giác mạc, độ... cũng như hướng dẫn cách đeo và tháo kính, vệ sinh mắt hằng ngày...
Theo bác sĩ Đinh Trung Nghĩa, Bệnh viện Mắt TPHCM, do kính áp tròng tiếp xúc trực tiếp với giác mạc (một bộ phận rất quan trọng của mắt) nên có thể xảy ra nhiễm trùng, vi chấn thương hoặc chấn thương hoàn toàn, gây đau nhức, giảm sút thị lực đột ngột. Các biến chứng nhẹ là đỏ mắt cấp tính, viêm kết mạc cấp, viêm kết mạc mạn, khô mắt, phù viêm biểu mô giác mạc, tân mạch giác mạc. Biến chứng nặng là trợt giác mạc, loét giác mạc do vi khuẩn, nấm. Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo, những biến chứng nhẹ có thể điều trị được, nhưng nếu biến chứng nặng rất khó điều trị và dẫn đến hậu quả nặng nề. Những biến chứng ở giác mạc ngay cả khi được chữa lành cũng để lại sẹo suốt đời, làm giảm sút thị lực. Vì vậy, nếu sử dụng kính này cần phải chú ý khám định kỳ và thường xuyên. Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào khác thường về mắt cần ngưng đeo kính và tới bác sĩ chuyên khoa khám ngay để được điều trị kịp thời.
Bình luận (0)