Vôi văng vào mắt trái khiến anh N.V.T (30 tuổi, ngụ Hà Nội) phỏng giác mạc nặng, nguy cơ bị mù rất cao nếu không thay giác mạc. Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã dùng phương pháp ghép tự thân tấm biểu mô giác mạc để điều trị cho anh T. Sau hơn 3 tháng, thị lực của anh đã đạt 4/10 và đang phục hồi tốt.
Điều trị nhiều loại bệnh
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bình, Trường ĐH Y Hà Nội, với những bệnh nhân bị tổn thương nặng bề mặt giác mạc sẽ làm cho giác mạc bị đục trong khi các tổ chức mô, xơ lan kín làm mắt mất khả năng nhìn bình thường.
Thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: KHÁNH ANH
Với những trường hợp này, chỉ định thay giác mạc là tốt nhất. Tuy nhiên, nguồn giác mạc còn rất hạn chế nên giải pháp ghép tự thân tấm biểu mô được nuôi cấy từ tế bào gốc là ưu điểm nhất. Tấm biểu mô này sẽ nằm trong giác mạc bị tổn thương; ngăn không cho các tổ chức mô, xơ, mạch máu tấn công bề mặt giác mạc.
Chính vì thế nên nhóm các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ thuật viên Trường ĐH Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương đã phối hợp nghiên cứu, ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh về mắt.
Tại TPHCM, Bệnh viện ĐH Y Dược cũng triển khai ứng dụng công nghệ cấy, ghép tế bào gốc mô mỡ để điều trị các bệnh lý viêm xương khớp và đã có trường hợp đầu tiên điều trị bằng phương pháp này.
Tế bào gốc mô mỡ được lấy bằng cách hút trực tiếp từ mỡ bụng của bệnh nhân. Qua xử lý nhiều công đoạn, thành phẩm thu được sẽ trộn với huyết tương giàu tiểu cầu lấy từ máu của bệnh nhân rồi tiêm vào khớp gối để phát huy khả năng điều trị.
Trước đó, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM cũng ứng dụng tế bào gốc máu cuống rốn ghép thành công cho 9 trường hợp mắc bệnh lý ác tính về máu. Theo bác sĩ Trần Văn Bình, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, tế bào gốc có khả năng tự duy trì và tự biến đổi thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, thay thế cho các tế bào bị mất hoặc tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau.
Cho đến nay, chỉ riêng với tế bào gốc máu cuống rốn, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã điều trị hơn 70 bệnh nhân ung thư máu, rối loạn chuyển hóa, suy tủy, thiếu máu nặng...
Cải thiện thị lực tốt
PGS-TS Nguyễn Thị Bình cho biết để tạo ra những tấm biểu mô của giác mạc, các nhà khoa học đã lấy nguồn tế bào gốc từ mắt lành và từ niêm mạc miệng của bệnh nhân (trong trường hợp bị tổn thương cả hai mắt) để biệt hóa thành tế bào giác mạc.
Trong 18-20 ngày ở môi trường nuôi cấy đặc biệt, tế bào gốc phát triển thành tấm biểu mô. Đến nay đã có gần 20 bệnh nhân được ghép tế bào gốc nuôi cấy từ tấm biểu mô tự thân và phần lớn đều cho kết quả tốt.
Theo bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Bệnh viện Mắt Trung ương, một nghiên cứu trên 10 bệnh nhân sau ghép tế bào gốc cho thấy hầu hết đều cải thiện thị lực tốt và trung bình dù giác mạc chưa trong hoàn toàn.
Trước đây, người ta dùng màng ối để ghép nhưng tỉ lệ thành công không cao. Kỹ thuật lấy vùng rìa giác mạc mắt lành để ghép sang mắt tổn thương cũng chưa ổn do ảnh hưởng thị lực của mắt lành. Vì thế, ghép tế bào gốc nuôi cấy từ tấm biểu mô tự thân đang mở ra nhiều hy vọng cho việc điều trị.
Nhu cầu lớn
Kỹ thuật ghép tế bào gốc có khả năng áp dụng để điều trị 80 loại bệnh. Việc ứng dụng tế bào gốc đang mở hướng mới cho y học nước ta vì sẽ điều trị được những loại bệnh tưởng chừng bó tay.
Nhu cầu điều trị bệnh bằng ghép tế bào gốc hiện rất lớn vì chỉ riêng số người mù do bệnh lý giác mạc cần ghép giác mạc hiện cũng đã có khoảng 300.000 người, trong đó có 100.000 người mù cả hai mắt. Những người này chỉ có thể nhìn lại nếu được ghép giác mạc. |
Bình luận (0)